Khơi dậy tiềm lực, bứt phá vươn lên

06/01/2023 | 08:12 GMT+7

Là tỉnh trẻ, Hậu Giang có nhiều lợi thế và cơ hội phát triển trong giai đoạn mới. Tỉnh nhỏ nhưng nuôi khát vọng lớn, bằng nhiều giải pháp, Hậu Giang đang nỗ lực, quyết tâm, đột phá, khát vọng để vươn lên mạnh mẽ...

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang.

Phát huy lợi thế

Nằm ở trung tâm vùng sản xuất của ĐBSCL, do vậy, xét về khoảng cách giữa các địa phương trong vùng và cả nước thì Hậu Giang có nhiều lợi thế. Tỉnh có khả năng kết nối giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không thuận lợi phát triển vận tải đa phương thức. Việc hình thành trung tâm logistics tại tỉnh sẽ giúp giảm chi phí, giảm rủi ro vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản. Bên cạnh đó, nhờ giáp ranh thành phố Cần Thơ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hậu Giang không chỉ hưởng ưu đãi của tỉnh mà còn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ phụ trợ của đất Tây Đô để phát triển.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho rằng: Tỉnh Hậu Giang có lợi thế rất đặc biệt cho đầu tư và phát triển kinh tế mà ít tỉnh nào ở Việt Nam có được, đó là tỉnh Hậu Giang tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, là những tỉnh có vùng nguyên liệu thủy sản, lúa gạo dồi dào, phong phú. Vùng đất giáp với các tỉnh trên thường là những vùng nông thôn nên giá đất tại các vùng này vẫn còn thấp, thuận lợi cho tỉnh đầu tư các khu công nghiệp với chi phí bồi thường giải tỏa thấp giúp cho doanh nghiệp trong việc thu xếp quỹ đất với chi phí đầu tư thấp để thực hiện đầu tư.

Ngoài ra, vùng giáp ranh giữa Hậu Giang và các tỉnh có lực lượng lao động dồi dào với mức thu nhập không cao nên đây là nơi cung cấp lượng công nhân tốt cho doanh nghiệp. Hậu Giang còn giáp với thành phố Cần Thơ, có sân bay quốc tế nên đây là điểm rất thuận lợi cho các khách hàng, các đối tác và các chuyên gia đến ký kết hợp đồng mua bán và các chuyên gia đến làm việc. Từ sân bay quốc tế Cần Thơ đến vùng giáp ranh các tỉnh chỉ khoảng một giờ xe hơi nên rất thuận tiện cho các khách hàng đi đến các doanh nghiệp ở vùng giáp ranh để trao đổi, mua bán và làm việc. Hậu Giang có các cảng nằm dọc sông Hậu, đặc biệt khi cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) được đưa vào khai thác thì lợi thế đầu tư của tỉnh Hậu Giang lại càng tăng thêm.

Từ những điểm mạnh trên, tỉnh Hậu Giang có ưu thế đặc biệt trong việc khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp ở vùng giáp ranh và đây chính là một lợi thế đặc trưng mà khó tỉnh nào có được. Ông Lê Văn Quang cũng khẳng định: Nếu Hậu Giang tận dụng được lợi thế đầu tư nói trên đầu tư các khu công nghiệp ở vùng giáp ranh này thì Tập đoàn Minh Phú sẽ sẵn sàng đầu tư 3-5 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở các khu công nghiệp giáp ranh này. Đồng thời, Minh Phú sẽ kêu gọi các công ty đối tác của Minh Phú đầu tư các nhà máy vệ tinh, phụ trợ như bao bì giấy, bao bì nhựa, bột (cho tẩm bột tôm), nước sốt, gia vị, các nhà máy sản xuất các máy móc thiết bị và dụng cụ chế biến tôm... để tạo ra những khu công nghiệp phức hợp đa ngành nghề giúp vùng nông thôn nghèo này chuyển mình trở thành nơi đáng sống.

Tỉnh trẻ Hậu Giang đang khát vọng vươn lên tầm cao mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững so với tốc độ phát triển của vùng ĐBSCL, để xứng tầm với tiềm năng và lợi thế sẵn có của vùng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc từng khẳng định: Hậu Giang có vị trí địa lý đặc biệt, là hạt nhân của khu vực ĐBSCL và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của vùng Tây Nam bộ. Vì vậy cần nâng cao khả năng liên kết vùng, từng bước tạo dựng thương hiệu mạnh, tạo sự khác biệt trong thu hút đầu tư, đó là động lực quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để bứt phá vươn lên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng mong muốn Hậu Giang có sự chuẩn bị tốt nhất về quy hoạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng, môi trường đầu tư thân thiện, đặc biệt là nâng cao tính bổ trợ - liên kết vùng trong chuỗi giá trị để tạo tiền đề thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược mang tính dẫn dắt ngành kinh tế động lực của tỉnh phát triển.

Chanh không hạt trồng tại huyện Châu Thành được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Nâng cao sức cạnh tranh

Sau 19 năm thành lập tỉnh, từ một tỉnh còn non trẻ, Hậu Giang đã và đang phát triển, khẳng định vị thế trong vùng ĐBSCL. Bên cạnh khai thác thế mạnh về nông nghiệp, Hậu Giang còn là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đến nay tỉnh đã thu hút được hơn 320 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn khoảng 170.000 tỉ đồng. Ngoài ra có 25 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động, với tổng vốn hơn 3,9 triệu USD.

Hậu Giang là một tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mekong với lợi thế thuận lợi cho giao thương kể cả đường bộ lẫn đường thủy. Và đặc biệt tầm nhìn và cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với Hậu Giang, nhiều doanh nghiệp vô cùng tin tưởng vào tiềm năng phát triển của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, được các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi tối đa, Masan đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của dự án Trung tâm Thực phẩm Masan Miền Tây, gồm Nhà máy Bia Masan Hậu Giang và Nhà máy Thực phẩm Masan Hậu Giang. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 2.700 tỉ đồng, ước tính đạt doanh thu 7.400 tỉ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.640 tỉ đồng và sử dụng 600 lao động địa phương trong năm 2022. Đặc biệt, công ty còn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho giai đoạn 2 của Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan Miền Tây tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, có tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, quy mô tối thiểu 40ha gồm 4 phân khu sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống,... giá trị cao, tập trung vào thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ và các vùng phụ cận.

Nhờ phát huy lợi thế mà kinh tế của tỉnh Hậu Giang có bước phát triển vượt bậc, các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Qua đó cho thấy kinh tế của tỉnh đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Minh chứng là qua kết quả công bố của Tổng cục Thống kê mới đây thì GRDP của Hậu Giang đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để có được kết quả này, trước hết là do sự điều hành quyết liệt, sáng tạo và những giải pháp hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo môi trường thuận lợi cho các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, phải kể đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhân dân trong tỉnh trong việc phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong chiến lược phát triển Hậu Giang đến năm 2025, tỉnh sẽ nỗ lực cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế; cải thiện thu ngân sách. Phấn đấu mỗi năm thu ngân sách nội địa tăng 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13.000-15.000 tỉ đồng/năm. Đồng thời trở thành 1 trong 3 địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất tại ĐBSCL.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng khẳng định: Một trong 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới đó là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ và nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, một tuyên ngôn và một hành động làm mục tiêu chung. Lấy cam kết 2 nhanh, 3 tốt. Đó là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Trong chuyến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hậu Giang cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, logistics. Đẩy mạnh phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Hậu Giang cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thành các quy hoạch, quyết tâm giải quyết bằng được hai nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực, ưu tiên cho nhiệm vụ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược. Biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất, không để tiềm lực ngủ quên; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên...”.

 

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: “Phải nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng không chỉ trong người dân, mà còn cả hệ thống chính quyền. Muốn vậy, phải có đột phá trong hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ, dành nguồn lực đủ lớn để phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đấy là kỳ vọng của chính quyền, niềm tin của người dân tỉnh nhà trong giai đoạn mới”. 

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>