Xây dựng và nhân rộng mô hình “Chợ 4.0”

09/01/2023 | 19:04 GMT+7

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán và thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại.

Nhân viên của VNPT Hậu Giang hỗ trợ cho các tiểu thương chợ Cây Dương cài đặt và sử dụng App VNPTMoney.

Làm nghề kinh doanh quán ăn tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, gia đình khá đơn chiếc nên việc đi nhập nguyên liệu, thanh toán tiền làm cho bà Nguyễn Thị Nơi mất rất nhiều thời gian. Chính vì thế, khi thị trấn triển khai mô hình Chợ 4.0, thanh toán trực tuyến thông qua App VNPTMoney, bà Nơi là người đầu tiên đăng ký tham gia. Trải nghiệm những ngày đầu sử dụng dịch vụ, tuy chưa thành thạo nhưng bà Nơi cảm nhận rõ sự tiện dụng của App VNPTMoney mang lại. Hiện nay, bà không còn mất thời gian để phải trực tiếp đi thánh toán tiền nguyên liệu như trước đây, thay vào đó thanh toán trực tiếp qua App. “Tôi thấy mô hình này rất tốt, lúc đầu chưa biết thì sử dụng hơi khó, nhưng từ từ thì cũng quen. Hiện nay, phần lớn mình xài không cần tiền mặt, tất cả đều giao dịch qua App. Hạn chế được việc giữ tiền mặt nên quá trình mua bán cũng an tâm hơn”, bà Nơi cho biết thêm.

Mô hình Chợ 4.0 được triển khai xây dựng đầu tiên tại thị trấn Cây Dương với 69 hộ tham gia. Sau khi ra mắt, VNPT chi nhánh huyện Phụng Hiệp đã phân công cán bộ đến tận nơi các tiểu thương mua bán hỗ trợ bà con cài đặt App VNPTMoney. Đồng thời, hướng dẫn cho các tiểu thương cách thức sử dụng dịch vụ cũng như phương thức thanh toán giao dịch trực tuyến. Ông Nguyễn Vũ Tiến, Giám đốc phòng bán hàng khu vực 3, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Quá trình hỗ trợ người dân cài đặt App VNPTMoney, nhìn chung bà con cũng hưởng ứng nhiệt tình. Bởi đây là giải pháp tối ưu trong việc quản lý, sử dụng nguồn tiền kinh doanh hiệu quả, các tiểu thương sẽ không còn lo việc bảo quản. Việc quét mã QR để thanh toán giúp tôi tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Song song đó, các tiểu thương còn có thể sử dụng App để thanh toán tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường hay các chi phí khác”.

Theo kế hoạch năm 2022 huyện Phụng Hiệp ra mắt mô hình Chợ 4.0 tại 6 chợ trên địa bàn huyện gồm: chợ Cây Dương, chợ Kinh Cùng, chợ Hòa Mỹ, chợ Búng Tàu, chợ Phương Bình và chợ Tân Long, với 258 tiểu thương tham gia. Tham gia mô hình, người dân và các tiểu thương sẽ trao đổi, kinh doanh mua bán hàng hóa không sử dụng tiền mặt trực tiếp như phương thức thanh toán truyền thống. Thay vào đó, mọi người sẽ thanh toán điện tử, chuyển khoản bằng việc sử dụng các phương tiện thanh toán ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR, các ứng dụng thanh toán trên nền tảng di động như VNPTMoney.

Ông Trần Trung Nhiệm, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho biết: Mô hình được triển khai góp phần đào tạo kỹ năng số cho người dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân tham gia các hoạt động trên môi trường số, sử dụng các nền tảng số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế số. Đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.

Đầu tháng 7-2022, Sở Công thương tỉnh cũng đã ra mắt mô hình thí điểm Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh. Đây là mô hình nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, đồng thời hướng đến triển khai áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Với mô hình Chợ 4.0, tiểu thương, người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện, thậm chí chưa cần đến điện thoại thông minh hay có kết nối internet vẫn có thể giao dịch không dùng tiền mặt tại các sạp, ki-ốt trong chợ.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Thực hiện thí điểm mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ Vị Thanh có sự tham gia tích cực của hơn 100 tiểu thương, tới đây đơn vị sẽ tham mưu cho UBND thành phố sớm nhân rộng cho các chợ còn lại để áp dụng cho các tiểu thương cũng như người dân có nhiều lựa chọn thanh toán, từng bước tiếp cận với cách thanh toán hiện đại. Đồng thời, đề xuất với Sở Công thương tỉnh phát động mạnh mẽ mô hình này tại các nơi hội tụ đủ điều kiện như siêu thị, trung tâm thương mại để thúc đẩy chuyển đổi số thương mại dịch vụ trên toàn địa bàn.

Trong năm 2022, Sở Công thương Hậu Giang cũng đã xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh mua bán. Mục tiêu của mô hình còn nhằm phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ thanh toán, đảm bảo mang lại sự thuận tiện và an toàn cho người sử dụng. Tăng cường ứng dụng mô hình thanh toán, làm cơ sở xây dựng hệ sinh thái mua bán toàn diện, giúp tiểu thương mở rộng kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như QR Code, mã hóa thông tin thẻ, ví điện tử…, đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán hàng ngày và phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng. Tập huấn cho các tiểu thương, hộ kinh doanh về dịch vụ thanh toán để có kỹ năng, kiến thức hướng dẫn khách hàng hiểu và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Mô hình Chợ 4.0 đang từng bước giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng về hình thức thanh toán, chuyển từ dùng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Giao dịch mua bán thuận lợi, an toàn sẽ góp phần kích cầu mua sắm từ đó thúc đẩy kinh tế của các địa phương trong tỉnh phát triển.

Sở Công thương tỉnh cho biết, tới đây sẽ cùng với Viettel Hậu Giang, VNPT Hậu Giang, các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các chợ trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân quen dần với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thực hiện một số hoạt động hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, thúc đẩy hoạt động bán hàng trên các nền tảng số, thương mại điện tử.

 

Bài, ảnh: T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>