Đề nghị bổ sung quy định đấu giá viên không được đồng thời là thẩm định viên về giá

23/05/2024 | 07:28 GMT+7

Đóng góp bằng văn bản về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vừa được Quốc hội đưa ra thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, đề nghị bổ sung quy định đấu giá viên không được đồng thời là thẩm định viên về giá...

Quang cảnh Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Hội trường Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Quân, tại điểm a, khoản 2, Điều 1 dự thảo chỉ quy định cách đặt bước giá, chưa quy định về cách xác định tỷ lệ bước giá. Chưa có quy định nào để tính toán ấn định một bước giá tương ứng cho một tài sản đưa ra đấu giá, dẫn đến có trường hợp chủ tài sản quy định bước giá bằng với giá khởi điểm với một số mục đích thiếu khách quan do hiện nay, pháp luật chưa điều chỉnh.

Vì vậy, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người tham gia đấu giá cần cân nhắc quy định tỷ lệ tương ứng phù hợp để hạn chế, khắc phục được bất cập trong thực tế nói trên. Mặt khác, trong trường hợp tổ chức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp (bỏ phiếu trả giá trong thời gian bán và nhận hồ sơ) thì không cần quy định bước giá. Bởi thực tế cho thấy, việc tổ chức đấu giá theo hình thức này, rất hiệu quả, người tham gia khó có khả năng thông đồng, dìm giá do không có cơ hội gặp nhau như theo hình thức đấu giá trực tiếp.

Nhất trí như nội dung Cổng đấu giá tài sản quốc gia quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1 dự thảo, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Quân đề nghị, lưu ý thêm một số nội dung trong quá trình vận hành cổng này. Cụ thể, không có mục đính chính thông tin đã đăng tải; không có mục đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân có vi phạm; không có công khai số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá và số lượng hợp đồng đấu giá thành, tỷ lệ chênh lệch tăng giữa giá trúng so với giá khởi điểm theo từng loại tài sản để làm cơ sở các tổ chức đấu giá tài sản giám sát chủ tài sản trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, cũng như các tổ chức đấu giá tài sản giám sát lẫn nhau nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khách quan khi lựa chọn....

Thống nhất với bổ sung quy định về hành vi cấm tổ chức đấu giá tài sản để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá. Thế nhưng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho rằng, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 47 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, thì người có tài sản có quyền giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá. Hơn nữa, trong thực tế người có tài sản muốn nắm tình hình tài sản có bao nhiêu người đăng ký thì tổ chức đấu giá phải cung cấp thông tin. Do đó, đề nghị bổ sung quy định này, với nội dung: “Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá, trừ trường hợp cung cấp thông tin cho người có tài sản, khi người có tài sản yêu cầu”.

Trong khi đó, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung việc niêm yết, thông báo công khai quy chế cuộc đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, nơi tổ chức cuộc đấu giá và thông báo công khai trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Tuy nhiên, quy chế cuộc đấu giá có số lượng trang nhiều, số lượng tài sản bán đấu giá trên cả nước mỗi ngày rất lớn, việc thông báo công khai lên Cổng đấu giá tài sản quốc gia về lâu về dài chiếm dữ liệu lưu trữ lớn, gây quá tải, ảnh hưởng đến việc khai thác các thông tin khác của người có tài sản, tổ chức đấu giá và người có nhu cầu tham gia đấu giá. Chưa kể, việc công khai thông báo đấu giá trên các kênh với thông tin về tài sản khá đầy đủ cũng đảm bảo việc tìm kiếm tài sản phù hợp của khách hàng. Khi khách hàng có nhu cầu mua hồ sơ thì trong thành phần hồ sơ cung cấp cũng đã bao gồm quy chế cuộc đấu giá. Vậy nên, không cần thiết phải quy định thông báo công khai quy chế cuộc đấu giá trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật Đấu giá tài sản theo hướng chỉ áp dụng lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá đối với tài sản đấu giá khởi điểm trên 500 triệu đồng. Đối với tài sản có giá khởi điểm từ 500 triệu đồng trở xuống thì người có tài sản đấu giá được chỉ định tổ chức hành nghề đấu giá. Bởi trên thực tiễn áp dụng Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, rất nhiều tài sản nhà nước như xe ôtô, mô tô, công cụ dụng cụ, vật tư tháo dỡ… thanh lý bán phế liệu, giá trị không cao, nhưng theo quy định người có tài sản phải thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá theo Điều 56 Luật Đấu giá tài sản hiện hành, gây tốn kém thời gian và nhân lực…

Bên cạnh đó, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đề nghị bổ sung quy định đấu giá viên không được đồng thời là thẩm định viên về giá. Vì theo quy định hiện hành, tổ chức hành nghề đấu giá không được đồng thời là tổ chức thẩm định giá đối với tài sản đó. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, rất nhiều tổ chức lách luật, mặc dù họ không trực tiếp ký hợp đồng dịch vụ đấu giá đối với tài sản mà họ thẩm định giá, nhưng thực chất người thẩm định giá và người bán đấu giá là cùng một chủ sở hữu, dễ dẫn đến tiêu cực, thất thoát tài sản.

Phân tích thêm, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nghiên cứu đưa quy định giới hạn địa giới hành chính tài sản đấu giá trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản theo hướng quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chỉ được đấu giá tài sản tại nơi có trụ sở chính. Quy định này cũng tương đồng với Luật Công chứng, đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

GIA NGUYỄN - MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>