Có một “Lung trời” được ví như “lá phổi xanh” của miền Tây

19/07/2024 | 09:51 GMT+7

“Bồng bềnh sương bay, trời mây chập chùng. Dưới lung cá ục, tiếng chim rúc trên đầu, ếch gọi bầy rền vang…”, những lời hát trong tác phẩm âm nhạc “Về lại Lung Ngọc Hoàng” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc đưa mọi người về một nơi thật bình yên, như lạc vào miền cổ tích với không khí có phần huyền bí như tên gọi - không đâu khác, đó chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp).

Không gian xanh ngát một màu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: TRUNG QUÂN

Nếu đi dọc miền Tây sông nước, du khách sẽ được nghe rất nhiều từ dân dã, gợi lên bao sự đặc trưng từ thuở khai khẩn vùng đất này: Lung, bàu, đìa... Tuy nhiên, không nhiều nơi có lung rộng lớn, bao la, miên man như Lung Ngọc Hoàng.

Với diện tích trên 2.800ha, đây là vùng đất rất đặc biệt đa dạng sinh học. Từ lâu nay được ví như “lá phổi xanh”, một nơi rất đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng, tiêu biểu sinh cảnh tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có khu bảo vệ nghiêm ngặt (khoảng 1.100ha), khu hành chính phục vụ và khu phục hồi sinh thái; bảo tồn sinh cảnh tự nhiên, đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

 Lung Ngọc Hoàng có trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ, 206 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm, đang nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang... Cá biệt, có 3 loài có khả năng sinh sống được cả ở môi trường nước mặn như Cóc kèn thuộc họ Đậu, Quao nước thuộc họ Quao và dừa nước thuộc họ Cau dừa. Về thủy sản có 77 loài cá được ghi nhận ở khu vực này, chiếm 77% tổng số loài đã ghi nhận được ở các khu vực nước ngọt của đồng bằng sông Cửu Long.

Với hàng trăm loài động, thực vật đặc trưng, Lung Ngọc Hoàng là nơi để nghiên cứu khoa học và khám phá du lịch thiên nhiên rất thích hợp.

Trong Lung Ngọc Hoàng lại có nhiều “lung con”, như Lung Sen, Lung Cỏ Chỉ, Lung Ba Đìa… Trong đó, Lung Ba Đìa là nơi nhiều cư dân Tây sông Hậu đổ xô về khai thác cá đồng để làm mắm khi còn hoang sơ, thời chưa thành lập Khu bảo tồn. Bởi vậy nơi đây từng được gọi “rốn cá” là vậy.

Lung Ngọc Hoàng đang làm rất tốt công tác bảo tồn, được đánh giá là một trong những khu bảo tồn ít bị tổn thương, môi trường trong lành của vùng. Việc định hướng phát triển du lịch của tỉnh cũng song song với công tác bảo tồn, tạo sản phẩm du lịch chất lượng, trong đó nhấn mạnh đến sự bền vững trong khai thác du lịch sinh thái.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vinh dự đón tiếp rất nhiều vị lãnh đạo Trung ương, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành; các Ngài Đại sứ, Tổng Lãnh sự các nước Cộng hòa Czech, Cộng hòa Armenia, Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh cùng Phu nhân, gia đình; đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức, hội, hiệp hội...

Trong một lần đến nơi đây, Ngài Vahram Kazhoyan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Armenia tại Việt Nam, bày tỏ thích thú khám phá nét đẹp hoang sơ ở đây và chia sẻ rất tin tưởng nếu khai thác du lịch theo hướng sinh thái bền vững, tôn trọng thiên nhiên, giữ nét đặc trưng của những cánh rừng bạt ngàn sẽ là nhân tố thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Nếu đến Lung Ngọc Hoàng, được đạp xe quanh các tuyến đường rợp bóng cây xanh, thấy những cảnh vẫn còn rất hoang sơ, không khí thoáng đãng, trong lành, sẽ là liệu pháp “chữa lành” cho du khách. Tuy nhiên, là khu bảo tồn nên việc tham quan của du khách sẽ có giới hạn.

Du lịch là 1 trong 4 trụ cột được định hình cho phát triển trong tương lai của tỉnh và Hậu Giang xác định khu bảo tồn sẽ là nơi tiềm năng và lợi thế phát triển trong tương lai của tỉnh. Do đó, khi xây dựng “Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng”, tỉnh đặt mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với khai thác tiềm năng môi trường sinh thái của rừng, phát triển du lịch kết hợp sự bền vững môi trường tại khu vực này.

Du khách hãy đến với Lung Ngọc Hoàng để cảm nhận vẻ đẹp và sống trong không gian có phần đượm vẻ huyền bí nơi đây...

Về tên gọi Lung Ngọc Hoàng, nhiều lão nông gắn bó với vùng đất này cho biết: Khi xưa cư dân quanh vùng gọi vùng đất ngập nước này là “Lung Ông Trời” để nói về một nơi rừng rú bao la, rộng lớn, thuở khẩn hoang có khi đi lạc vào nơi này không dễ kiếm được lối ra. Dần dà hai từ “Ông Trời” được đổi thành “Ngọc Hoàng” cho tới ngày nay.

 

BẢO NAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>