Để Hậu Giang trở thành nơi đáng nhớ với du khách xa gần

23/08/2024 | 07:47 GMT+7

Hậu Giang có những điểm đến làm nao lòng du khách. Để khách nhớ và trở lại nhiều lần hơn, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà đã định hướng nhiều cách làm phù hợp.

“Chợ chồm hổm” độc lạ ở thành phố Vị Thanh, lớn nhất miền Tây Nam bộ. Ảnh: LÝ ANH LAM

“Điểm danh” những nơi phải đến...

Tại thành phố Vị Thanh, trung tâm tỉnh Hậu Giang, điều làm du khách ấn tượng chính là Chợ nông thôn Vị Thanh, nhiều người dân ở đây gọi là “Chợ chồm hổm”. Chợ chỉ nhóm vào buổi sáng, bán tất cả các mặt hàng nông sản để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Giá rẻ là đặc điểm nổi bật của chợ này nên thu hút rất đông người dân địa phương buôn bán. Nơi đây bán “bó”, “mớ”, bởi người dân kiếm được từ vườn nhà nên nhiều chút cũng không sao, rẻ chút mà nhiều người mua cũng vui.

Không chỉ có “Chợ chồm hổm”, thành phố Vị Thanh còn có Vùng khóm Cầu Đúc trứ danh với những rẫy khóm bạt ngàn. Người dân vùng khóm bắt đầu làm du lịch, chịu khó học hỏi từ cách làm du lịch cộng đồng, học cách chế biến và sáng tạo sản vật quê hương để có những món ăn ngon thết đãi du khách, như củ hủ khóm xào tép, làm dưa, làm nhưn bánh xèo, mứt khóm, rượu khóm làm quà cho khách phương xa...

Rời thành phố trẻ bên sông, dọc theo kênh xáng Xà No về hướng thành phố Cần Thơ, sẽ đi ngang qua huyện Châu Thành A. Dừng chân nơi đây, du khách sẽ thích thú với những vườn cây ăn trái trĩu quả. Ghé lại Trang trại sữa dê Ngọc Đào ở xã Tân Hòa, trải nghiệm quy trình lấy sữa dê và thưởng thức những món ngon từ sữa, như sữa tươi, sữa chua..., được thực hiện bởi quy trình khép kín. Ghé Homestay Mương Đình ở xã Nhơn Nghĩa A, để thỏa sức trải nghiệm không gian xanh mát của khu vườn rộng với nhiều loại cây ăn trái, cây xanh rợp bóng mát. Du khách có thể lưu trú lại nơi đây để tận hưởng không khí an lành, thưởng thức những món ăn đồng quê mang bao gợi nhớ...

Nếu thích trải nghiệm miệt vườn sông nước, về thành phố Ngã Bảy du khách sẽ khám phá những điều thú vị với câu chuyện bên dòng sông Ngã Bảy. Người dân ở hai bên bờ sông đã dần xây dựng những sản phẩm du lịch để phục vụ du khách, như Vườn dâu Thiên Ân, Homestay Miệt vườn, Vườn chôm chôm Chín Liễu... Mỗi nơi đều có một nét riêng, giúp du khách vui thú điền viên, như tìm về chốn an lành, thư thái tâm hồn, xua tan những lo toan, mệt nhoài của cuộc sống...

Chọn kể những câu chuyện đặc sắc về đất, người Hậu Giang và miền Tây

Hậu Giang đã và đang tập trung đầu tư cho du lịch. Không chỉ được học tập kinh nghiệm làm du lịch, tổ chức tọa đàm, hội thảo để tìm cách khai thác, phát huy tài nguyên sẵn có. Hậu Giang đã chọn du lịch làm một trong 4 trụ cột trọng tâm để đầu tư, phát triển. Đây là cách nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của du lịch.

Đặc biệt, tỉnh còn chọn kể những câu chuyện đặc sắc về chiếc áo bà ba truyền thống, nâng tầm thành lễ hội, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc; xây dựng “Con đường hoa xuân” rất đặc sắc và độc đáo vào dịp tết vừa qua và đang tiếp tục bàn giải pháp xây dựng thành “Con đường du lịch” trong thời gian tới. Đây là cách làm du lịch hiện đại, phù hợp xu hướng mới.

Hậu Giang còn xây dựng đề án phát triển du lịch đường thủy, đề án phát triển du lịch cộng đồng, khai thác du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng... Khi hoàn thành, chắc chắn đây sẽ là những sản phẩm du lịch riêng có.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Những nỗ lực của Hậu Giang trong thời gian qua đều nhằm mục đích khai thác dần nguồn tài nguyên hiện có, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng để có những sản phẩm du lịch mới. Chúng tôi cũng đã liên kết với các công ty lữ hành để nghe gợi ý, giới thiệu những tua du lịch hiện có để kết nối, ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL để khai thác du lịch. Tất cả đều cùng mục tiêu phát triển du lịch, từng bước đưa Hậu Giang có tên trên bản đồ du lịch trong thời gian tới”.

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>