Món ngon từ khóm vấn vương thực khách

21/06/2024 | 08:19 GMT+7

Đến thăm vùng trồng khóm Cầu Đúc, một đặc sản trứ danh của miền đất Hậu Giang, chắc hẳn nhiều thực khách sẽ bị níu chân bởi những món ngon được làm từ loại cây đặc sản này.

Những món ăn ngon từ khóm luôn được thực khách ưa chuộng thưởng thức.

Trăm năm bám rễ vươn mình dâng trái ngọt cho đời

Khóm Cầu Đúc là một trong những loại nông sản đặc trưng của tỉnh, được trồng nhiều tại các xã Tân Tiến, Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) và xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ).

Gần 100 năm bám rễ, vươn mình ở vùng đất này, khóm Cầu Đúc đã trở thành cảm hứng sáng tạo nên biểu tượng “Bé Khóm”, đại diện cho hình ảnh đất và người Hậu Giang. Từ khóm Cầu Đúc, nhiều món ăn ngon, hấp dẫn đã ra đời, trở thành đặc sản của xứ khóm nói riêng và tỉnh nhà nói chung.

Về thăm xứ khóm, trước tiên phải thưởng thức trái khóm tươi. Sau khi gọt vỏ, loại bỏ mắt, khóm có màu vàng hấp dẫn, hương vị thơm ngọt, thanh mát, ít chua và ít gây rát lưỡi,… nên rất được lòng thực khách. Chị Nguyễn Dương Bích Vy, ở phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Dù đã ăn khóm ở nhiều nơi, nhưng trái khóm Cầu Đúc khiến tôi ưa thích nhất. Mỗi lần thưởng thức tôi có thể ăn được nhiều. Từ trái lớn đến trái nhỏ đều ngon ngọt hết”.

Khóm Cầu Đúc còn là nguyên liệu để tạo nên bức tranh ẩm thực phong phú, hấp dẫn tại địa phương. Bên cạnh những món ăn quen thuộc như canh chua khóm, khóm xào, vịt nấu khóm, cá, thịt kho khóm,… người dân xứ này còn khéo léo chế biến các loại bánh khóm, kẹo khóm, mứt khóm, nước ép khóm, nước màu khóm, siro khóm,… Ngoài ra, có một đặc sản chỉ thưởng thức được ở xứ khóm, đó là củ hủ khóm, được lấy từ những gốc khóm chưa cho trái, là nguyên liệu để chế biến các món ăn hấp dẫn như: bánh xèo củ hủ khóm, củ hủ khóm xào, hầm thịt,…

Từ khóm Cầu Đúc, nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã ra đời như: Rượu khóm Trường Thọ, Nước màu khóm Trường Thọ (Cơ sở sản xuất Trường Thọ); Mứt khóm, Nước màu khóm (Cơ sở sản xuất Vân Lộc, Cơ sở sản xuất Diễm Kiều); Siro khóm Huy Minh, Siro khóm củ dền Huy Minh, Siro khóm gừng Huy Minh (Cơ sở sản xuất Huy Minh);… Qua đó, góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu khóm, giải quyết việc làm tại địa phương và đa dạng hóa sản phẩm từ loại nông sản đặc trưng này.

Thực khách khó tính mấy cũng vừa lòng, vừa dạ...

Gần một năm nay, bà Nguyễn Thị Trường An, chủ quán ăn gia đình Thái An, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, nỗ lực sáng tạo những món ăn từ khóm Cầu Đúc để phục vụ tại quán mình. Trái khóm và củ hủ khóm luôn là 2 nguyên liệu không thể thiếu trong gian bếp của quán. Đến đây, thực khách có thể thưởng thức đa dạng món ăn từ khóm như: bánh xèo củ hủ khóm, gỏi gà củ hủ khóm, củ hủ khóm xào tép, củ hủ khóm nhúng cá kho lạt, lòng xào khóm, canh chua khóm,… Ngay cả nước mắm chua ngọt cũng được chủ quán tỉ mỉ nấu với trái khóm để tạo hương vị đặc trưng.

Bà An cho biết: “Ở giữa vùng khóm Cầu Đúc nên chúng tôi luôn muốn giới thiệu những món ăn đặc sản từ khóm đến với thực khách, đặc biệt là khách phương xa tới. Hầu như khách nào ăn cũng khen ngon, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cải thiện và mở rộng quy mô hơn nữa. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển nơi đây thành một khu sinh thái cộng đồng, liên kết với các hộ gia đình tại địa phương để làm du lịch, giúp khách đến đây có thể trải nghiệm đời sống sinh hoạt vùng khóm. Thưởng thức những món ăn đậm chất đồng quê, đặc biệt là từ khóm Cầu Đúc”.

Ngày nay, trái khóm và củ hủ khóm Cầu Đúc đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong những món ăn đặc trưng của các nhà hàng, quán ăn tại địa phương, là điều đọng lại trong lòng thực khách phương xa khi đến thăm mảnh đất Hậu Giang.

Lần đầu tiên được ăn món củ hủ khóm xào tép đồng, anh Lê Tân, ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, chia sẻ: “Trước giờ tôi không nghĩ từ thân cây khóm có thể tận dụng củ hủ để làm món ăn. Hương vị dân dã này sẽ khiến tôi nhớ nhiều về nơi đây. Nếu có dịp, tôi và bạn bè nhất định sẽ trở lại để thưởng thức những món ăn từ khóm Cầu Đúc”.

Trăm năm bám rễ vươn mình dâng trái ngọt cho đời, những món ngon từ khóm Cầu Đúc đã và đang ngày càng được thực khách ưa chuộng, trở thành một “Đại sứ” du lịch, góp phần đưa hình ảnh đất và người Hậu Giang vươn xa.

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>