Chuyển đổi số lan tỏa khắp các lĩnh vực, ngành nghề

24/05/2024 | 08:14 GMT+7

Trong ngày đầu tiên diễn ra Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2024, 3 hội thảo trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chính quyền, nông nghiệp và khoa học - công nghệ, nhiều định hướng, giải pháp, hiến kế đã được nêu lên.

Đại biểu trình bày nội dung tại hội thảo.

Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững

Hội thảo “Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững”, là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện của Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2024. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong chuyển đổi số đã gợi mở nhiều giải pháp trọng tâm.

Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin: Tại ĐBSCL, cây lúa chiếm 54% diện tích và 58% sản lượng của cả nước, lĩnh vực thủy sản chiếm 77% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước. Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số và thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hướng đến nền kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững.

Người dân Hậu Giang đã và đang quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản ở vùng ĐBSCL còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, thiếu tính bền vững và ảnh hưởng đến môi trường. Điển hình là còn yếu kém trong tối đa năng suất đất, lao động, sản xuất manh mún, thiếu liên kết, thiếu hiệu quả; các khâu chế biến, bảo quản hàng nông sản chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại; công tác quản trị và vận hành, cập nhật, duy trì, nâng cấp cơ sở dữ liệu, phần mềm, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số của mặt hàng nông sản còn gặp không ít những rào cản và thách thức…

Ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee đề xuất 2 giải pháp, là thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Chú trọng ứng dụng các nền tảng công nghệ giúp các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng, đơn vị phân phối, bán lẻ và đơn vị cung cấp đầu vào.

Cùng đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Cần áp dụng các giải pháp và chính sách để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm miễn, giảm phí, lệ phí và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; xây dựng mạng luồng quan trắc chất lượng môi trường để phục vụ chỉ đạo, điều hành; tăng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (85% trở lên), đảm bảo 100% hộ gia đình kết nối internet băng rộng cáp quang. Ngoài ra, cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương và kết nối các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực.

Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số

Là chủ đề của Hội thảo 2 trong khuôn khổ của Tuần lễ Chuyển đổi số diễn ra vào chiều ngày 23-5. Gần 300 đại biểu là đại diện các sở, ban ngành, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Trong hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các dịch vụ mới trên Ứng dụng di động Hậu Giang và 8 giải pháp thúc đẩy chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số như hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành trên dữ liệu số; giới thiệu giải pháp hệ thống quản trị thực thi của địa phương; giải pháp lưu trữ bảo quản lâu dài và phát huy giá trị tài nguyên số; AI tạo sinh - cơ hội và thách thức; C-HUB giải pháp kết nối đa chiều cho Smart City; vai trò và thực tiễn áp dụng các nguồn tri thức an ninh mạng trong công tác đảm bảo an toàn thông tin; giải pháp chuyển đổi số hiệu quả cho lĩnh vực hành chính công…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Hậu Giang đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng di động Hậu Giang, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh… Qua đây, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Với mục tiêu hình thành trung tâm về công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin… Hậu Giang đã thành lập Khu công nghệ số với quy mô khoảng 28,5ha tại thành phố Vị Thanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các hội thảo được tổ chức sẽ là cơ hội để lắng nghe nhiều ý kiến, sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm vận dụng đưa ra các giải pháp phù hợp, tối ưu và ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số cho cơ quan, địa phương trong thời gian tới. Đồng thời, cũng là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp đến Hậu Giang nghiên cứu các tiềm năng, định hướng phát triển của tỉnh để đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là tham gia đầu tư vào Khu Công nghệ số Hậu Giang.

Mở hướng tới công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

Hội thảo Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) mở hướng tới công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn đã tham luận các nội dung: Xây dựng môi trường thích hợp, tài chính và đầu tư cho khởi nghiệp công nghệ xanh và kinh tế tuần hoàn; Ứng dụng đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế hiệu quả, xanh và bền vững tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; Những chuyển động chính sách hướng đến nền kinh tế tuần hoàn thúc đẩy KNĐMST; Vì sao nền tảng số lại là một công cụ rất quan trọng cho phát triển doanh nghiệp; Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong KNĐMST thúc đẩy kinh tế xanh và bền vững. Thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm triển khai và bài học thực tế trong xây dựng, phát triển hệ sinh thái KNĐMST mở hướng tới công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Hậu Giang đã và đang cổ vũ, triển khai thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế tuần hoàn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường và gắn liền với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các dự án, mô hình cũng chỉ mới xuất hiện đơn lẻ, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến. Mức đầu tư, hỗ trợ để chuyển đổi mô hình còn thấp; người dân chưa am hiểu sâu về sự tuần hoàn trong quá trình triển khai nên hiệu quả mang lại chưa cao. Điều kiện để áp dụng mô hình tương đối lớn nên chưa có nhiều đối tượng đáp ứng”.

Chia sẻ ý kiến của mình, ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật, Bộ KH&CN, khẳng định: “Các ý kiến trao đổi, đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý hôm nay sẽ được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các cơ quan tham mưu của tỉnh ghi nhận, tiếp thu để đưa vào xây dựng thành các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới”.

PHƯỚC - XUYÊN - THƯ ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>