Dấu ấn chuyển đổi số ở Hậu Giang

22/05/2024 | 18:36 GMT+7

Tuần lễ Chuyển đổi số (CĐS) và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành thương hiệu đặc trưng của Hậu Giang, mở ra nhiều kỳ vọng và cơ hội phát triển từ lĩnh vực tất yếu trong thời đại công nghệ bùng nổ.

Học sinh Hậu Giang được tiếp cận với các ứng dụng số.

Nhiều lĩnh vực chủ động bắt nhịp chuyển đổi số

Trước đây, mỗi khi nhắc đến làm “Du lịch thông minh” đa số ái ngại, bởi nhiều khó khăn cản trở đến quá trình thực hiện CĐS, nhất là thiếu hụt nguồn lực (nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực), thiếu hụt dữ liệu (các báo cáo phân tích thông tin), e ngại trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số... Tuy nhiên, từ khi có các hội thảo bàn về giải pháp CĐS ở lĩnh vực du lịch từ Tuần lễ CĐS trong năm 2022 và 2023, bức tranh du lịch ở Hậu Giang đã khác.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Ngành đã ứng dụng nền tảng công nghệ để phát triển du lịch thông qua trang quảng bá du lịch www.haugiangtourism.com.vn; qua mạng xã hội để truyền tải những thông tin về du lịch của tỉnh đến với du khách một cách nhanh chóng, kịp thời. Sở đang triển khai Dự án Xây dựng các ứng dụng CĐS ngành du lịch tỉnh”.

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh khá chủ động trong CĐS để thích ứng với tình hình mới. Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp có thể tiếp cận đa dạng khách hàng tiềm năng, giải được bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.

Không riêng du lịch, nhờ các hội thảo từ Tuần lễ CĐS đã giúp ngành y tế tìm được giải pháp thúc đẩy CĐS hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cải cách thủ tục hành chính (triển khai trang thông tin điện tử sở; cải cách thủ tục hành chính cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4). Trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế đã triển khai phần mềm HIS; 100% cơ sở khám sức khỏe lái xe đã thực hiện nhập dữ liệu về khám sức khỏe lái xe lên Cổng cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và kê đơn thuốc điện tử trên địa bàn tỉnh…”.

Nền tảng để tạo bước đột phá

Là 1 trong 4 lĩnh vực được tỉnh chọn ưu tiên thực hiện CĐS, ngành nông nghiệp dần tiếp cận mục tiêu “nông nghiệp thông minh”. Chia sẻ về việc thực hiện CĐS của ngành, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: “Sở đã phối hợp doanh nghiệp xây dựng các phần mềm CĐS như xây dựng các ứng dụng CĐS của ngành (bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin ngành; phần mềm quản lý chứa dữ liệu quản lý nông nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…; phần mềm hỗ trợ đưa dữ liệu vào phần mềm quản lý); xây dựng phần mềm báo cáo chuyên ngành nông nghiệp (giúp cán bộ kỹ thuật các cấp cập nhật số liệu sản xuất, thu hoạch, thu mua, các dữ liệu này sẽ tự động upload lên trên hệ thống, từ đó số liệu của ngành sẽ được cập nhật kịp thời, hàng ngày)”.

Không chỉ ứng dụng các phần mềm để từng bước xây dựng dữ liệu ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp rà soát, chọn những địa điểm phù hợp cho từng vùng để lắp đặt, nâng cấp các trạm đo chất lượng nguồn nước; lắp đặt mới các bẫy đèn thông minh; hệ thống camera giám sát an toàn thực phẩm... Từ những thiết bị này sẽ phân tích truyền tín hiệu về máy chủ để có thông báo, cảnh báo kịp thời đến người dân. Các cơ sở dữ liệu này dự kiến đến hết năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Qua 2 năm phối hợp cùng Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tuần lễ CĐS, thông qua các hội thảo đã tạo chuyển biến tích cực trong từng ngành, lĩnh vực của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh thông qua các hoạt động của Tuần lễ CĐS là nâng cao hiệu quả ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, kêu gọi nhiều doanh nghiệp công nghệ số đầu tư tại tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tuần lễ CĐS và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển các giải pháp CĐS, tìm kiếm giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc phát triển kinh tế xanh và bền vững phù hợp với tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp CĐS, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và vùng.

Cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Những kết quả tích cực ở 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số

Thực hiện Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02 về Xây dựng Chính quyền điện tử và CĐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ngày 4/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25, thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025. Đây là tiền đề quan trọng, xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử, CĐS trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Hậu Giang đã đạt những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. 100% cơ quan nhà nước tham gia Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 100% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống. 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định.

Cổng dịch vụ công (DVC) tỉnh đã cập nhật 1.850 thủ tục hành chính thuộc danh mục thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Số lượng DVC cung cấp trên Cổng DVC là 1.436 DVC để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục hành chính không tiếp xúc với cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, tỉnh đã tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia 1.198 DVC, trong đó đã tích hợp 181 DVC toàn trình và 1.017 DVC một phần. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 88,3% (tăng hơn 64% so với năm 2022). Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, theo số liệu thống kê trên Cổng DVC Quốc gia cấp tỉnh đạt 68%; cấp huyện 37% và cấp xã 91%.

100% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số; tỷ lệ lao động kinh tế số trong lực lượng lao động chiếm gần 2%. Ứng dụng di động Hậu Giang (HauGiang app) đã có hơn 84.000 lượt tải về. Tỉnh còn thành lập 525 tổ công nghệ số cộng đồng tại ấp, khu vực với 3.740 thành viên tham gia, lực lượng này là cánh tay nối dài đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Trong đó, 450.000 người được phổ cập kỹ năng số; 65% người dân từ 15 tuổi trở lên được hỗ trợ tạo tài khoản giao dịch tại ngân hàng để thanh toán không dùng tiền mặt. Dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt trên 66% và người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 84%.

Đặc biệt năm 2023, Hậu Giang đã thành lập Khu Công nghệ số với diện tích 28,5ha. Đây là nơi thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, khi đi vào hoạt động sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển hệ sinh thái công nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự hình thành nguồn lực tri thức số, công nghệ số phục vụ Chiến lược An ninh mạng quốc gia nói chung và Hậu Giang nói riêng. Đến nay, tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh cho 8 doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh từng chia sẻ: Tỉnh xác định công nghệ thông tin là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra là đưa tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Tỉnh tự tin là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với sự sẵn sàng về cơ chế, chính sách, đến môi trường đầu tư, nguồn lực tại chỗ.

Kết quả chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX 2023, Hậu Giang xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính, với số điểm đạt được là 88,02 điểm (tăng 1 bậc so với năm 2022).

Trong hai năm liên tiếp (2021 và 2022) Hậu Giang giữ vững xếp hạng thứ 17/63 tỉnh, thành về chỉ số CĐS; năm 2022 Hậu Giang nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.

lHạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh có Trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC, Hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng SOC; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 hiệu quả. Các nền tảng số cơ bản đã hoạt động hiệu quả như ứng dụng di động Hậu Giang, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ và hệ thống họp trực tuyến…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>