Xây dựng xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

07/06/2024 | 09:23 GMT+7

Là một trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy xây dựng xã hội số.

Với nhiều nỗ lực, việc định hình nền tảng xây dựng xã hội số trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả bước đầu.

Đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ số

Ở các xã, thị trấn của huyện Long Mỹ, đa số các gia đình đều lắp đặt internet, mỗi hộ hầu như đều có 1 chiếc điện thoại thông minh, có thể trải nghiệm các dịch vụ số phổ biến.

Anh Lê Văn Lợt, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, cho hay: “Hồi trước ở đây muốn xài internet rất khó, phải ra các quán gần trung tâm xã mới có wifi. Khoảng 2-3 năm nay, khi đường truyền internet cáp quang kéo về đến xã, bà con ai cũng đăng ký sử dụng. Có internet, điện thoại thông minh, nhiều bà con địa phương bắt đầu tiếp cận và sử dụng các ứng dụng số phổ biến như app Haugiang, thanh toán trực tuyến qua tài khoản ngân hàng”.

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân. Về hạ tầng kết nối, mạng thông tin di động đã được đầu tư phát triển tại 100% xã, phường, thị trấn. Thiết bị thông minh phát triển mạnh đang thay thế các thiết bị 2G, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt trên 76%.

Các ngành chức năng đã phối hợp hỗ trợ người dân tham gia sâu vào chương trình chuyển đổi số, nhất là sử dụng các nền tảng, dịch vụ số hữu ích phục vụ phát triển kinh tế.

Ngành giáo dục và đào tạo đã thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập trên môi trường internet. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp thúc đẩy ứng dụng số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ sử dụng các phần mềm quản lý, điều hành sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường.

Từng địa phương còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tập huấn kỹ năng lập tài khoản gian hàng, mở tài khoản thanh toán, mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng Mobile Money, Viettel Money trong thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch thông thường trong đời sống hàng ngày như đi chợ, thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ viễn thông. 100% ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử đến khách hàng là người dân; 85% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số đạt 85%.

Khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ số

Đi làm công ty may cách nhà hơn 10km, chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, có thể quan sát các con đang ở nhà thường xuyên bằng cách gọi điện qua zalo. Không chỉ vậy, việc thanh toán hóa đơn tiền điện, nước trực tuyến khi nhận thông báo qua điện thoại dễ dàng hơn. Chị Tuyền cho biết: “Nhiều dịch vụ mình chỉ cần cài đặt và thao tác qua điện thoại thông minh là xong. Tôi đã cài app ngân hàng để thanh toán trực tuyến; cài đặt và kích hoạt VNeID mức độ 2, VssID… giờ ra đường không cần mang theo nhiều giấy tờ hay tiền mặt thấy yên tâm hơn nhiều, lại khỏi sợ mất”.

Ở tuổi 64, ông Lê Phước Bền, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, rất thành thạo trong việc sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán trực tuyến khi mua sắm, đăng bán các sản phẩm sản xuất của gia đình lên các nền tảng số. Ông Bền chia sẻ: “Hồi trước, điện thoại thông minh của tôi chủ yếu để nghe gọi. Sau đó, gia đình tôi lắp internet để xài, ban đầu chỉ lên đọc tin tức, xem các video hướng dẫn chăm sóc vườn, dần về sau tôi được hướng dẫn đăng bán sản phẩm trên mạng”.

Trong xây dựng xã hội số, đến nay tỉnh đã đạt được một số kết quả như tỷ lệ dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số đạt 85%; dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%. 100% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT và các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp thực hiện chuyển đổi số (hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở).

Tỉnh phối hợp với các nhà mạng VNPT Hậu Giang, Viettel Hậu Giang tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã cấp trên 53.000 chứng thư số công cộng cho người dân.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số của Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, từng chia sẻ tại hội thảo mới đây: Người dân Hậu Giang đến nay đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…

Kinh tế số, xã hội số bắt đầu được hình thành, tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử. Đã triển khai tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… Trên cơ sở đó, người dân và doanh nghiệp tiếp cận về công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số thuận lợi.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt 80%; người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số đạt 85%; dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%.

100% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông và các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp thực hiện chuyển đổi số; đã cấp trên 53.000 chứng thư số công cộng cho người dân… 

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>