Cần nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

13/05/2024 | 07:25 GMT+7

Phát triển nhà ở xã hội là việc làm ý nghĩa, giúp người dân thỏa ước mơ “an cư”, tuy nhiên, để chính sách này phát huy hết tác dụng rất cần sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Nhà ở xã hội giúp người có thu nhập thấp “an cư”.

Thỏa ước nguyện an cư

Mỗi tháng bỏ ra khoảng 4 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, nhưng sau 20 năm có trong tay căn nhà do chính mình làm chủ. Đó là câu chuyện của anh Lâm Minh Tâm, công nhân Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành. Từ ngày có nhà mới, anh Tâm không còn phải lo lắng chuyện tiền trọ, cuộc sống gia đình bắt đầu dần ổn định hơn. Nhớ lại thời điểm đặt viết ký vào hợp đồng mua nhà, cảm giác của anh vẫn vẹn nguyên như ngày nào, bởi với mức lương công nhân không nhiều nhưng chi phí sinh hoạt ngày càng cao, chuyện mua nhà là ước mơ xa tầm với.

“Ngân hàng hỗ trợ vay trả góp gốc và lãi hàng tháng trong vòng 20 năm nên gia đình tôi quyết định mua nhà ở xã hội. Mỗi tháng vừa trả lãi và gốc khoảng 4 triệu đồng, giống như thuê một căn nhà ở ngoài, cái được lớn nhất là sau khi trả hết, được căn nhà cho chính mình…”, anh Tâm bộc bạch.

Không riêng anh Tâm mà hiện nhiều người dân đủ điều kiện tại Hậu Giang cũng có thể sở hữu cho mình một căn nhà tại các dự án nhà ở xã hội của địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 dự án nhà ở xã hội đang triển khai thực hiện, tổng quy mô 12,5ha với hơn 1.000 căn nhà. Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang được giao chỉ tiêu tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành đến năm 2030 là 1.400 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 700 căn và giai đoạn 2026-2030 hoàn thành 700 căn.

Dự án Nhà ở xã hội thấp tầng liền kề tại phường V, thành phố Vị Thanh, do Công ty Cổ phần Ban liên lạc khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ làm chủ đầu tư là một trong 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, với diện tích đất xây dựng 16.000m2, với 157 căn nhà (trong đó 21 căn là nhà ở thương mại). Nói về nhu cầu nhà ở xã hội, ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ, cho biết: “Nhu cầu nhà ở xã hội còn lớn nhưng dự án rất chậm, do quỹ đất không quy hoạch hoặc chưa giải tỏa đền bù nên gặp khó khăn”.

Chung tay gỡ khó

Theo khảo sát tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL, người dân muốn mua nhà thì thủ tục theo quy định phải trải qua nhiều khâu xác minh thẩm duyệt. Đối tượng mua nhà phải chứng minh về nhà ở dưới 10m2/người. Thu nhập bình quân gia đình dưới mức đóng thuế thu nhập cá nhân và một loạt các giấy tờ khác cần xác nhận để đạt các tiêu chí theo quy định… Hồ sơ mua nhà phải được xác minh tại địa phương và qua thẩm định đối tượng tại Sở Xây dựng. Chính vì lẽ đó, nhiều người dân có nhu cầu vẫn chưa thể chạm được giấc mơ có nhà.

Ở góc độ quản lý, ông Trần Phước Hưởng, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh, cho biết quy định đã có nhưng vẫn còn nhiều trở ngại cần tháo gỡ. Ông Hưởng cho rằng: “Quyết định 338 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, chỉ giao chỉ tiêu số lượng theo đợt cho địa phương nhưng không giao tiền, đây là một trong những cái khó. Chúng tôi phải tận dụng nguồn lực tự có trên cơ sở 20% đất ở trong dự án nhà ở xã hội để phát triển nhà ở xã hội hoặc quỹ đất tại địa phương tự có. Theo Quyết định 338, bằng nguồn lực, năng lực của địa phương phát triển nhà ở xã hội. 120.000 tỉ đồng là gói được vay tín dụng để thực hiện nhà ở xã hội. Trong đó, có thể những dự án trong danh mục hoặc ngoài danh mục nhưng theo điều kiện Công văn 1551 của Bộ Xây dựng là những dự án được giao đất mới được vay gói này”.

Để tháo gỡ những rào cản cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn và tuân thủ luật pháp nhà nước, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế chính sách, luật pháp nhà nước”.

Để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu, tất cả các chủ thể liên quan với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sáng tạo, kịp thời, trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện tốt trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Tinh thần là không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai không có nhà ở.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>