Giải cơn “khát” cát cho các dự án cao tốc

03/07/2024 | 08:26 GMT+7

Bài 2: Gỡ khó về vật liệu cát phục vụ cao tốc

Trước tình trạng dự án cao tốc “đói cát”, nhiều giải pháp đã được đặt ra từ Trung ương đến địa phương để gỡ khó, đưa các dự án về đúng tiến độ.

Khó khăn lớn nhất ở dự án cao tốc vẫn là cát đắp nền.

Phối hợp chặt chẽ

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đến nay đã bàn giao mặt bằng trên 98%. Dự án có tổng số 2 gói thầu xây lắp, trước khó khăn về nguồn cát san lấp, các nhà thầu đã và đang tập trung thi công một số hạng mục chính. Trong đó, gói thầu xây lắp số 1, nhà thầu đã triển khai 30 mũi thi công để triển khai các hạng mục như: Đắp cát thi công tuyến chính; đang tập trung thi công cầu Đông Pháp, cầu KH9, cầu Kênh Dậy, cầu Xà No, cầu vượt Quốc lộ 61C, cầu Thới An, cầu Đường Láng, cầu Nàng Mau 2, cầu vượt Quốc lộ 61 và nút giao 2 cao tốc. Gói thầu xây lắp số 2, nhà thầu đã triển khai 12 mũi thi công, đang triển khai thi công đường công vụ; cầu Nàng Mau, cầu Hòa Mỹ, cầu Lái Hiếu, cầu Hậu Giang 3. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là cát đắp nền hiện rất khan hiếm.

Để gỡ khó trước mắt về nguồn nguyên vật liệu cát, ông Phan Dương, Giám đốc Ban điều hành Trung Nam EC, cho biết: Nguồn cát hiện tại đang rất khan hiếm. Về phía Trung Nam cũng chấp nhận đi mua nguồn cát thương mại với chênh lệch giá cao hơn với giá ký hợp đồng để phục vụ thi công các cầu lớn. Sắp tới, sẽ mua thêm 100.000m3 cát để thi công đường công vụ dọc tuyến để phục vụ thi công bê tông cho toàn tuyến của gói thầu, bao gồm 18km. Sản lượng năm nay sau khi điều chỉnh lại so với tình hình thực tế cát khan hiếm thì dự kiến khoảng 750 tỉ đồng.

Hậu Giang hiện có 2 dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng, giai đoạn 1, theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, hiện các dự án, gói thầu về cao tốc qua địa bàn đang được triển khai thực hiện rất tích cực.

“Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phối hợp với các tỉnh, thành bạn để khai thác lượng cát đủ phục vụ cao tốc. Bước đầu do vấn đề quy trình, rồi thiếu cát cục bộ ở một số nơi nên có chậm hơn tiến độ. Từ đây sắp tới, tiến độ chắc chắn sẽ nhanh hơn, đặc biệt tháng 6 này đã khai thác được mỏ cát của Sóc Trăng thì đủ lượng cát để phục vụ cho quá trình thi công theo tiến độ. Đối với tỉnh Bến Tre và Tiền Giang vừa qua Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị này lập các thủ tục và cũng sẽ có lượng cát để phục vụ các tuyến đường cao tốc, cho nên vấn đề khan hiếm vật liệu cát sẽ được giải quyết, chỉ còn việc chúng ta phối hợp để triển khai nhanh thôi”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Riêng đối với vấn đề cát biển, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay, những khó khăn, vướng mắc về khai thác cát biển để làm vật liệu san lấp phục vụ cho các dự án cơ bản đã được tháo gỡ. Hiện nay, có 2 tỉnh và 3 đơn vị khác đăng ký trữ lượng cát với Sóc Trăng. Cụ thể, Hậu Giang đăng ký trữ lượng với Sóc Trăng là 2 triệu m3, thành phố Cần Thơ đăng ký 4,7 triệu m3, Tập đoàn Đèo Cả đăng ký 4,32 triệu m3, Ban quản lý dự án 85 đăng ký 5,37 triệu m3, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đăng ký 6 triệu m3. Sóc Trăng đang chỉ đạo quyết liệt và đã thành lập hội đồng xét duyệt hồ sơ nhà thầu thi công. Hiện nay, xét duyệt được 2 hồ sơ nhà thầu để giao khu mỏ ngoài biển là khu V1.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Phát biểu tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường các dự án và người dân đã có nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả tích cực, rất đáng trân trọng, tạo phong trào, xu thế phát triển hạ tầng trên cả nước, dù quá trình triển khai các dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao với tư tưởng tấn công, tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”.

Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức, các nhà thầu thi công triển khai với tinh thần “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” để đưa công trình về đích đúng kế hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các địa phương cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tình trạng mua bán thầu, thông thầu… Đồng thời, truyền thông khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình trong triển khai các dự án.

Các công trình phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; chú trọng việc tạo cảnh quan môi trường, không gian chung của các dự án khi hoàn thành. Các địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất và bố trí nguồn vốn để mở các nút giao để kết nối, khai thác hiệu quả tối đa các tuyến cao tốc.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ rà soát, phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000km cao tốc trước ngày 31-12-2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

MỘNG TOÀN

-----------------

Bài 3: Khai thác, sử dụng cát: Không đánh cược với môi trường

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>