Giải cơn “khát” cát cho các dự án cao tốc

04/07/2024 | 05:35 GMT+7

Bài 3: Khai thác, sử dụng cát: Không đánh cược với môi trường

Được xem là một trong những yếu tố then chốt để đưa cao tốc về đích đúng tiến độ, thế nhưng, việc khai thác và lựa chọn nguồn cát không thể nóng vội mà phải tính toán kỹ, đảm bảo không đánh cược với môi trường, không đánh đổi quyền lợi người dân.

Khai thác cát phải “thuận thiên”, không để người dân bị ảnh hưởng.

Khai thác cát phải “thuận thiên”

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ triển khai thi công 16 dự án giao thông trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù cho việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án này khoảng 70 triệu m3. Đến nay đã xác định được nguồn cung 37 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Trong đó, đủ điều kiện khai thác là 18,3 triệu m3.

Trong bối cảnh thiếu nguồn vật liệu thì việc khai thác cát sông hay thậm chí nâng công suất khai thác được ngành chức năng cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để không đánh cược với môi trường. Ở góc độ người dân, dù mong chờ và ủng hộ chủ trương xây dựng cao tốc nhưng bà con lo lắng về tác động đến môi trường, nhà cửa, đất đai, công trình hạ tầng khi khai thác cát sông. Đây là điều dễ hiểu và cảm thông trong bối cảnh sạt lở đang diễn biến phức tạp ở ĐBSCL hiện nay. Do vậy, để việc khai thác cát sông thật sự phát huy hiệu quả cần phải đánh giá tác động môi trường để quá trình thực hiện phù hợp với điều kiện tự nhiên. Nhà nước có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người dân; riêng đối với người dân cần ủng hộ để tránh ảnh hưởng đến công trình trọng điểm của quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nói về vấn đề khai thác cát sông, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng cho rằng: “Không thể hút mãi cát dưới sông được. Hút ở dưới sông lên bao nhiêu thì trên đất liền sẽ xuống sông bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Tuy nhiên, vì tính cấp bách của công trình, chúng ta nâng công suất nhưng phải giám sát sạt lở là vấn đề ưu tiên số một”.

Trong câu chuyện khai thác cát sông sao hiệu quả nhất còn đang nóng thì sự chú ý đổ dồn về việc một số diện tích lúa tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang giáp cao tốc Hậu Giang - Cà Mau bị chết, nghi ngờ do đất bị nhiễm mặn. Tại Phiên họp trực tuyến thứ 12 của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự án này “chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả” và nguồn cát sử dụng cho dự án được kiểm soát chặt chẽ, không “làm dối” được.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 nói chung và đoạn Cần Thơ - Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông từ An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù. Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị.

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết: “Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, trong thời điểm này, đơn vị thi công Binh đoàn Trường Sơn cũng có phối hợp với UBND huyện, UBND xã đi khảo sát thực tế. Đặc biệt là thống nhất hỗ trợ trước mắt để người dân có vốn tái sản xuất. Được hỗ trợ người dân đồng tình, vui mừng vì thấy được sự quan tâm của đơn vị thi công, địa phương. Còn nguyên nhân, sau này đơn vị thi công sẽ báo cáo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, UBND huyện, UBND tỉnh để có hướng giải quyết tiếp theo”.

Để đánh giá một cách đầy đủ, thận trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức đoàn công tác để khảo sát, tìm hiểu lý do khiến lúa chết và có thông tin trả lời chính thức.

Cát biển cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, hiện nay, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng nhằm hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác để thi công các đoạn tuyến tại các khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm và dự kiến cuối tháng 6-2024 mới có thể bắt đầu khai thác. Đây là tín hiệu đáng mừng vì phần nào giải phóng tình trạng “đói” cát cho hàng loạt dự án cao tốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp hạn chế hệ lụy của việc sử dụng cát biển làm vật liệu thi công đường cao tốc, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Đặc biệt cần sớm ban hành quy định để quản lý cát biển, minh bạch nguồn cát biển đảm bảo “truy xuất nguồn gốc”, công khai công trình nào sử dụng cát biển để người dân cùng giám sát với chính quyền, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường…

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu quan điểm cần đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sử dụng cát biển để làm vật liệu san lấp. Theo đó, tùy theo công trình, dự án triển khai sẽ được đánh giá tác động với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Ngoài ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng lưu ý việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc vừa qua rất khó khăn. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển.

Chủ trì cuộc làm việc về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, diễn ra tại thành phố Vĩnh Long vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương trong triển khai phương án, kế hoạch bảo đảm vật liệu san lấp đã được xác định, “thủ tục ở cấp nào phải chủ động ở cấp đấy”. Các địa phương phải cung cấp thông tin đầy đủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi cho bà con, các hộ dân bị ảnh hưởng và huy động người dân tham gia giám sát hoạt động khai thác cát sông…

 

MỘNG TOÀN

Bài 4: Cao tốc thúc đẩy kinh tế phát triển

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>