Thứ Năm, ngày 28/01/2016 | 08:44
Với quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ” nên việc mang thai, sinh con của ông bà xưa đều phó mặc cho tự nhiên, cứ thế đợi đến ngày khai hoa nở nhụy. Nhưng chuyện sinh con thời nay đã tiến bộ hơn nhiều, những đứa trẻ sinh ra được chăm lo từ lúc chưa tượng hình.
Mầm xuân
Mùa xuân năm nay, gia đình anh Nguyễn Tôn Văn Học và chị Châu Tuyết Phụng, ở phường I, thành phố Vị Thanh, có thêm niềm vui mới. Vừa bước vào nhà, chúng tôi đã nghe tiếng cười giòn giã của con nít. Chị Tuyết Phụng ôm bé Nguyễn Gia Văn, 5 tháng tuổi, trong vòng tay, cười hạnh phúc. Bé Gia Văn là đứa con đầu lòng của vợ chồng chị. Hai vợ chồng và ông bà ở nhà hay gọi bé là “cục vàng”. Có lẽ, mỗi người trong chúng ta, những ai đã làm cha, làm mẹ đều hiểu được niềm vui ấy.
![]() |
Cô giáo hướng dẫn Huyền Trân học tập trên lớp.
“Những đứa trẻ sinh ra đều là mùa xuân của cha mẹ”, chị Tuyết Phụng bảo như thế. Ghé mắt nhìn cậu con trai bụ bẫm trên tay, chị kể, hồi mang thai, chị đi khám định kỳ thường xuyên để kiểm tra xem bé phát triển có tốt không. Nghe mấy cô cộng tác viên dân số phường tư vấn sàng lọc để phát hiện bệnh cho con, chị cũng đồng tình. Thấy vậy, chị đi siêu âm đo độ mờ da gáy lúc thai được khoảng 12 tuần. Sau khi sinh cháu, chị đồng ý thực hiện lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh. Trước khi kết hôn, anh, chị cũng đã khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm phòng bệnh di truyền cho con cái. Kết quả, vợ chồng vững tin con mình khỏe mạnh.
Gia đình có suy nghĩ tiến bộ như anh Học, chị Phụng bây giờ không thiếu ở phường I. Chị Võ Thảo Sương, ở khu vực 2, cũng đã thực hiện các dịch vụ này. Chị Thảo Sương tâm sự: “Đi khám tiền hôn nhân thì sợ mình phát hiện bệnh, còn sàng lọc trước sinh, sơ sinh cũng rất tâm trạng lo con bị bệnh. Nhưng suy đi, tính lại, nếu phát hiện bệnh có thể dự phòng và điều trị kịp thời, còn bào thai có dị tật gì thì mình biết mà tránh. Sinh con ra không khỏe mạnh thì tội cho các bé mà gia đình cũng chật vật chuyện trông nom”. Con của chị Thảo Sương đã được 9 tháng tuổi. Bé trông kháu khỉnh, rất hay cười. Đối với gia đình chị, mùa xuân năm nay có nhiều ý nghĩa và khó quên vì nó đánh dấu gia đình có thêm thành viên mới.
![]() |
Chị Tuyết Phụng vui đùa với bé Gia Văn.
Bà Lê Thị Kiều Oanh, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình phường I, nhớ lại: “Cái thời tụi tui, mấy dịch vụ này không có. Biết mình mang thai thì cứ để vậy đợi khi nào đau bụng thì sinh con. Chẳng được kiểm tra dị tật hay bệnh như bây giờ. Nghĩ lại thấy điều kiện chăm sóc sức khỏe sinh sản hiện đại quá rồi. Có lẽ nhờ vậy mà tôi thấy những đứa trẻ sinh ra bị hội chứng Down giờ rất ít. Hầu hết thai phụ đều quan tâm khám thai định kỳ. Khi sinh con thì chọn nơi có dịch vụ tốt”. Tuy nhiên, để các gia đình trẻ có được kiến thức về sinh con, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh cho con, không thể quên đi cái công vận động của cán bộ, cộng tác viên dân số như bà Oanh. Những người ngày ngày lặn lội đến từng nhà, gặp từng đối tượng để giải thích, khuyên nhủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các anh, chị tiếp cận với dịch vụ mới.
Không chỉ dừng lại ở sự quan tâm để có những đứa con khỏe mạnh, mà ngày nay, bậc làm cha, làm mẹ còn đặt lên hàng đầu việc học hành của con cái. Cầm trên tay mấy chục tờ giấy khen và chứng chỉ ngoại ngữ của con, chị Trần Thị Diễm Trang, ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, bảo đây là thành tích học tập của hai cô con gái và cũng là sự nỗ lực, công sức của vợ chồng chị. Hai cô con gái của chị có cái tên rất đẹp Trương Huyền Hân (học lớp 7, Trường THCS thị trấn Long Mỹ) và Trương Huyền Trân (học lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Tám), cả hai em đều là học sinh giỏi có tiếng ở trường. Huyền Hân 6 năm học trước luôn đạt thành tích học sinh giỏi, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi văn hay chữ tốt, tiếng Anh qua internet, giải toán qua internet, hội thi tin học trẻ, đều có thành tích cao. Huyền Trân chỉ học lớp 1 nhưng đã có khả năng giải Anh văn lớp 3 nên được “đặc cách” tham gia tuyển chọn vào đội tuyển dự thi tiếng Anh qua internet khối lớp 3 của trường.
Anh Trương Văn Hiền, cha của hai cô học trò giỏi, chia sẻ: “Vợ chồng tôi tạo mọi điều kiện để các con có thể học tập tốt. Ngay từ lúc 5 tuổi, bé Huyền Trân đã được học Anh văn tại các trung tâm. Còn Huyền Hân trước đó được học Anh văn lúc 6 tuổi. Tôi rất hãnh diện vì hai con đều có thành tích cao trong học tập, nhất là môn Anh văn”. Với kết quả học tập của hai con là những bông hoa tươi thắm mang đến những mùa xuân vui cho gia đình.
Vì mục tiêu chất lượng
Gần 4 năm triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số không phải là khoảng thời gian dài để thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, nhưng với sự nỗ lực hết mình, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền qua nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, nhận thức xã hội, nhất là thế hệ trẻ đã tiến bộ hơn trong sinh con, chăm sóc và nuôi dạy. Tỷ lệ thực hiện các mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đã tăng so với trước.
Thực tế cho thấy thời gian sẽ tạo điều kiện cho mô hình phát triển. Ví như, trước đây mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân khi thực hiện cũng gặp không ít trở ngại, vì đối tượng lo sợ khám phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến quyết định kết hôn. Nhưng sau hơn 10 năm tuyên truyền thì đối tượng đã chấp nhận vì thấy được lợi ích lâu dài trong phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục và phòng bệnh cho con cái. Những năm gần đây, các địa phương đều thực hiện vượt rất cao chỉ tiêu đề ra. Riêng năm 2015, tỷ lệ cả tỉnh vượt trên 500% chỉ tiêu kế hoạch. Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức xã hội.
Qua gần 4 năm tuyên truyền, một bộ phận thế hệ trẻ đã từng bước ý thức được sự cần thiết thực hiện các kỹ thuật tầm soát dị tật, bệnh ở bào thai và trẻ sơ sinh. Bà Nguyễn Thị Thanh Liên, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng ta đã có tiền đề khá thuận lợi để phát triển mô hình này. Câu lạc bộ khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh được thành lập ở các địa bàn. Cán bộ phụ trách thực hiện các dịch vụ này đã được đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Thiết bị máy siêu âm cũng được cấp về địa phương. Bên cạnh đó, mạng lưới cộng tác viên dân số thường xuyên quan tâm truyền thông, vận động. Trình độ dân trí ngày càng tiến bộ”. Các mô hình đã chuyển dần từ chế độ “bao cấp” sang xã hội hóa.
Đó cũng là định hướng của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong những năm tiếp theo. Bà Trần Thị Lài, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, khẳng định: “Nhu cầu xã hội hóa là rất cần thiết, trong khi nguồn miễn phí ngày càng hạn hẹp. Chẳng hạn như mô hình sàng lọc sơ sinh, hàng năm chúng tôi đều rất thụ động với kế hoạch cấp mẫu giấy thấm của Trung ương. Điều này làm gián đoạn hoạt động tuyên truyền, vận động, thực hiện ở cơ sở. Năm 2015, chúng tôi đã mạnh dạn tham mưu với lãnh đạo tỉnh cho phép triển khai xã hội hóa ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Đơn vị Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đang thực hiện rất tốt việc này”. Việc sàng lọc sơ sinh có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc. Tuy nhiên, mỗi năm nguồn miễn phí chỉ khoảng 1.000 mẫu giấy thấm lấy máu gót chân, trong khi đó tỉnh lại có trên 10.000 trẻ sinh ra. Nếu không xã hội hóa thì 9.000 trẻ sơ sinh còn lại không được tầm soát bệnh. Sàng lọc phát hiện được bệnh sớm sẽ giúp các cháu phòng ngừa, điều trị sớm những vấn đề về sức khỏe.
Hậu Giang là địa phương có mức sinh thay thế tương đối ổn định, nên bên cạnh duy trì công tác kế hoạch hóa gia đình thì xu hướng nâng cao chất lượng dân số đang dần chiếm ưu thế. Quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ” đã lỗi thời. Thế hệ gia đình trẻ ngày nay đã có những suy nghĩ tiến bộ về sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Họ đã biết lo sức khỏe, tương lai cho con từ hành động khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để con mình sinh ra khỏe mạnh và tiếp tục chăm chút cho chúng chuyện học hành để có tương lai.
Đẩy mạnh các mô hình này không chỉ giảm đi gánh nặng bệnh tật cho trẻ, gánh nặng kinh tế cho gia đình mà góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng dân số tương lai.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm mục đích phòng các bệnh lây qua đường tình dục, bệnh di truyền, phát hiện các bất thường ở cơ quan sinh sản để kịp thời chữa trị. Sàng lọc trước sinh để tầm soát dị tật ở bào thai, trong đó có tầm soát trẻ mắc hội chứng Down. Sàng lọc sơ sinh để phát hiện 3 bệnh thiếu men G6PD (thiếu men này trẻ hay bị tán huyết, suy thận dẫn đến tử vong). Phát hiện thiếu men G6PD nhằm để phòng ngừa xảy ra tình trạng tán huyết ở trẻ khi dùng thuốc. Qua 4 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 7.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó có trên 100 trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD, không có trẻ mắc hai bệnh còn lại là suy giáp bẩm sinh và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. |
Bài, ảnh: HỒNG DIỄM
08:03 30/06/2025
Trong bối cảnh giao thời chuyển giao thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp, ngành y tế thông tin mọi hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vẫn được duy trì như bình thường.
09:51 27/06/2025
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Y tế tỉnh quan tâm thực hiện nhiều hình thức đào tạo, thu hút nguồn nhân lực bác sĩ. Đây được xem là nhiệm vụ cốt yếu để thực hiện mục tiêu nâng cao sức khoẻ Nhân dân.
06:48 20/06/2025
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang khẩn trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thị xã Long Mỹ vẫn tập trung thực hiện công tác dân số và phát triển, tạo nhiều nền tảng quan trọng cho giai đoạn tới.
07:37 19/06/2025
Năm năm qua (2020-2025), ngành y tế tỉnh đã quan tâm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em ở tỉnh. Thực hiện hoàn thành vượt chỉ tiêu tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD cân nặng/tuổi đề ra trong nhiệm kỳ qua.
08:28 17/06/2025
Sáu tháng đầu năm nay, mạng lưới làm công tác tiêm chủng vắc-xin của toàn ngành y tế tiếp tục duy trì thành quả của công tác tiêm chủng, đảm bảo công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đạt tỷ lệ cao và an toàn, hiệu quả.
05:42 16/06/2025
Thời tiết mưa nhiều, bắt đầu vào cao điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH), ngành y tế kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh SXH với những hành động đơn giản, thiết thực theo tinh thần “không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có SXH”.
09:02 13/06/2025
(HG) - Ngày 12-6, tại huyện Châu Thành A, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh đã tổ chức Lễ mít-tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15 trên địa bàn tỉnh năm 2025 với sự tham dự của khoảng 400 đại biểu.
14:34 08/06/2025
Các bệnh viện, trung tâm y tế có khám, chữa bệnh của tỉnh triển khai thực hiện bệnh án điện tử đến tháng 9 tới, mục tiêu này được ngành y tế tỉnh tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện được nhiệm vụ này.
06:16 05/06/2025
Năm tháng đầu năm nay, tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, Hậu Giang là địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng thuộc tốp thấp ở khu vực phía Nam. Phòng bệnh chủ động, điều trị hiệu quả là hai yếu tố ngành y tế tỉnh đang thực hiện để kiểm soát tốt tình hình dịch.
05:37 04/06/2025
(HG) - Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhằm chủ động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm,
11:02 30/06/2025
(HGO) - Nhằm đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXX vừa thành lập Tổ Công tác thường trực tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
08:11 30/06/2025
Kể từ số báo này, Báo Hậu Giang sẽ chính thức ngừng xuất bản, chia tay với Quý độc giả theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để sáp nhập về đơn vị hành chính mới thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 202/2025/QH 15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
08:10 30/06/2025
Đây là quyển sách của triết gia Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) dành cho những người trẻ.
08:09 30/06/2025
Miền đất Hậu Giang đã để lại trong ký ức bao người không chỉ qua âm nhạc, mà ở các thể loại nghệ thuật khác như văn, thơ, nhiếp ảnh...