Lạm dụng thuốc giảm đau, tác hại khó lường

03/06/2024 | 07:18 GMT+7

Thực trạng đáng báo động hiện nay: Nhiều người mắc bệnh xương khớp nói chung, thoái hóa khớp nói riêng hoặc các bệnh khác rất hay tự ý mua thuốc giảm đau để uống. Vấn đề này theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trung Tiến (ảnh), Phó khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khuyến cáo là không nên vì “Thuốc là con dao hai lưỡi”, tự ý sử dụng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Qua thực tế công tác khám, chữa bệnh ở bệnh viện, bác sĩ nhận định như thế nào về thực trạng bệnh xương khớp hiện nay ?

- Bệnh xương khớp nói chung, thoái hóa khớp nói riêng là bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên theo ghi nhận ở bệnh viện hiện nay, bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Tại bệnh viện có một phòng khám riêng để khám và điều trị các bệnh về đau nhức xương khớp. Trung bình 1 ngày phòng này có ít nhất từ 40 lượt khám, có khi cao điểm tăng lên dao động từ 70 đến 80 lượt/ngày.

Bệnh xương khớp nói chung, thoái hoá khớp nói riêng hay gặp ở người cao tuổi, nhưng hiện nay không ít người trẻ cũng mắc bệnh này.

Trong những trường hợp đến khám, có không ít người trẻ, cho thấy bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Có những trường hợp bệnh nhân trẻ từ 20-35 tuổi là đã bị đau lưng, thoái hoá cột sống. Thực tế cũng cho thấy phần đông bệnh nhân mắc đau nhức xương khớp là phụ nữ.

Bệnh nhân đến khám với nhiều triệu chứng bệnh khác nhau, như đau lưng, thoái hóa cột sống lưng cổ, thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng, đau vùng cổ gáy, đau khớp, viêm khớp…

Có nhiều loại thuốc thông dụng thường được sử dụng để giảm đau trong điều trị đau nhức xương khớp. Trong đó, có nhóm giảm đau đơn thuần  có chứa Acetaminophen, Paracetamol. Nhóm giảm đau, kháng viêm không NSAIDs như: Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac. Nhóm giảm đau, kháng viêm NSAIDs như: Celecoxid, Etoricoxid, Meloxicam. Nhóm giảm đau có nguồn gốc thần kinh như: Gapapentin, Pregabalin. Nhóm thuốc Corticoid: Dexamethason, Hyprocortison, Prednisolon, Methyprednisolon...

Không ít người khi bị đau nhức xương khớp đã tự ý mua thuốc giảm đau uống, không qua thăm khám, chỉ định của bác sĩ, điều này có nguy hiểm không, thưa bác sĩ ?

- Mọi người nên hiểu “Thuốc là con dao hai lưỡi” nên khi sử dụng cần được sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu tự ý sử dụng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe. Một trong những nguy cơ thường gặp nhất khi tự sử dụng thuốc giảm đau sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày hoặc xuất huyết dạ dày… Hay phản ứng, dị ứng do hầu hết các loại thuốc giảm đau đều có khả năng phản ứng, dị ứng, nhẹ thì nổi mề đay, ngứa, nặng thì khó thở, hạ huyết áp… Nguy cơ suy gan, suy thận vì tất cả các thuốc phần lớn đều chuyển hóa qua gan qua thận nếu sử dụng không đúng sẽ dẫn đến suy gan, suy thận.

Chúng tôi từng gặp một trường hợp bệnh nhân ngày nào cũng đau đầu, bệnh nhân tự mua thuốc Paracetamol uống với liều sáng 1 viên, chiều 1 viên trong suốt 1,5 năm liền, khi đến bệnh viện khám, siêu âm thì gan đã bị xơ.

Ngoài ra, khi lạm dụng thuốc giảm đau tiềm ẩn nguy cơ về bệnh tim mạch. Các nghiên cứu đã chứng minh việc sử dụng thuốc chống viêm không NSAID làm tăng nguy cơ đau tim chỉ sau vài tuần sử dụng. Do đó, việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên không được khuyến khích nhất là sử dụng các toa thuốc truyền tai nhau.

Riêng với nhóm thuốc corticoid, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến những hậu quả gì, thưa bác sĩ ?

- Đây là một loại thuốc giảm đau, kháng viêm mạnh, giảm stress, giữ muối, giữ nước, khi uống vào có tác dụng giảm đau nhanh nên rất nhiều người lạm dụng thuốc giảm đau có chứa corticoid.

Corticoid hay còn gọi là cortisol được sản xuất từ tuyến thượng thận trong cơ thể nếu lạm dụng các thuốc có chứa corticoid lâu ngày liên tục thì sẽ dẫn đến là suy  tuyến thượng thận. Lúc đó, cơ không còn tiết ra cortisol nữa làm người bệnh sẽ lệ thuộc vào thuốc.

Sử dụng thuốc có chứa corticoid nhiều liên tục sẽ dẫn đến một hội chứng Cushing: Béo phì, bụng to, chân tay teo, mặt tròn như mặt trăng, sưng húp, da mỏng như tờ giấy dễ chảy máu. Làm tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, giảm miễn dịch cơ thể dễ nhiễm trùng,…

Vậy bác sĩ khuyến cáo gì đối với người bị đau nhức, nhất là liên quan xương khớp trong thăm khám, điều trị ?

- Khi bị các bệnh về đau nhức khuyến cáo tất cả mọi người hãy đến các cơ sở y tế uy tín được thăm khám và điều trị vì người cao tuổi có rất nhiều các bệnh kèm theo cần thăm khám kỹ lưỡng và đưa ra một phướng pháp điều trị tối ưu nhất.

Tuyệt đối không được mua thuốc tự điều trị, như: Thuốc nam, thuốc tễ, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giảm đau,… Đặc biệt, cần cảnh giác với các bài đăng quảng cáo về các loại thần dược như thuốc rượu, thuốc nam, thuốc vùng cao, sữa… chưa qua kiểm chứng hiện nay trên không gian mạng như Facebook, Tiktok, Youtube để tránh tiền mất tật mang, mất tiền mà còn nguy hại đến sức khỏe.

“Chúng tôi từng gặp một trường hợp bệnh nhân ngày nào cũng đau đầu, bệnh nhân tự mua thuốc Paracetamol uống với liều sáng 1 viên, chiều 1 viên trong suốt 1,5 năm liền, khi đến bệnh viện khám, siêu âm thì gan đã bị xơ”...

 

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>