Thứ Sáu, ngày 24/01/2025 | 05:51
Mùa xuân là thời gian để gia đình đoàn viên, chúc tụng bao lời hay ý đẹp và với Thầy thuốc ưu tú Phạm Văn Ngôn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang cũng vậy. Xuân này còn là dịp để ông lật lại từng trang ký ức về những tháng năm trong “chiến khu” làm cán bộ quân y níu giữ từng nhịp thở cho đời…
Ông Bảy Ngôn ôn lại kỷ niệm xưa qua từng bức ảnh.
Ngược xuôi phục vụ thương binh
Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống yêu nước, năm 1965, khi quê hương ngày đêm không ngớt bom đạn thù, chàng thanh niên Phạm Văn Ngôn (Bảy Ngôn) quyết định làm hậu phương vững chắc, góp phần để tiền tuyến có thêm động lực diệt thù.
Gia nhập ngành dân y tại Cần Thơ, sau đó anh được phân công nhiệm vụ cứu thương tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Lúc bấy giờ, dao kéo, thuốc cồn, thương vong với anh vẫn còn lắm mới mẽ, nhưng với anh, đã một lòng vì nước rồi thì phải học cho bằng được, thực hành cho thật khéo léo để cứu người.
Ký ức đầu tiên với nghề của anh là một ca bệnh đặc biệt. Đó là nữ bệnh nhân bị thương nặng, mất máu nhiều do trái nổ, khiến anh Ngôn suy nghĩ đến tình huống xấu nhất…
Khi chị về với đất mẹ, lòng anh quặn thắt, lửa căm thù giặc càng nung nấu ý chí để anh ngày đêm học tập, lao động, rèn giũa tay nghề.
Nói là phục vụ ở Xà Phiên, Long Mỹ nhưng ông Bảy và đồng đội phải liên tục di chuyển sang Phụng Hiệp và ngược lại. Để tránh địch, ông phải đi bộ luồn lách trong các khu vườn, rừng tràm, dừa nước, khi thì đi xuồng trong đêm tối, vô cùng gian nguy.
Vất vả trăm bề nhưng đến nơi có khi nghe than thở của cán bộ về tình trạng thiếu thuốc tê, kháng sinh, thiếu đồ ăn thức uống cho thương binh, như làm cho nhuệ khí lung lay. Song khi nghĩ đến thương bệnh binh giờ chỉ trông chờ vào mình và đồng đội thì ông và mọi người lại động viên nhau cố gắng bằng mọi giá…
Như thấu hiểu tình cảnh khốn khổ chung, các anh thương binh khi được khiêng vào trại không một lời kêu la; có ca mổ thiếu thuốc tê, nhìn thương binh kiên cường chịu banh da xé thịt, anh Ngôn và đồng nghiệp càng thêm kính phục, quyết chữa lành thương tích cho họ.
“Mổ mà đau đớn, tôi thấy cũng đau đớn theo. Mỗi vết rạch trên cơ thể các anh, tôi cảm nhận như chính mình đang chịu đựng”, ông Bảy tâm sự.
Rồi ông Bảy Ngôn tiếp tục kể: “Có lần đang mổ mà đèn măng-sông tắt, chúng tôi không thể dừng lại được mà phải huy động mọi thứ đèn có được để đủ ánh sáng mổ, khâu vết thương lại xong mới thôi”.
Hay một kỷ niệm đến giờ ông Phạm Văn Ngôn không sao quên được: Một cô thanh niên xung phong bị thương mất máu nằm trên giường bệnh ở kênh Xáng Bộ, huyện Phụng Hiệp. Mình không để nước cho bệnh nhân uống, chỉ khi nào thật cần thiết mới cho uống. Vậy là cô ấy dùng chiếc khăn để dưới giường, khi nước ngập lên, cô lấy khăn nhúng rồi vắt nước uống. Tôi nhìn thấy mà xót lòng. Sau đó, cô gái nhanh chóng khỏe lại, xuất viện, tham gia phục kích đánh nhiều trận tại Phụng Hiệp.
Suốt những năm tháng cống hiến, ông Bảy Ngôn luôn dốc lòng chăm sóc từng ca bệnh từ những việc nhỏ nhất như thay băng, rửa vết thương, hay những lời động viên, khích lệ, khiến bệnh binh rất ấm lòng, sớm hồi phục sức khỏe để ra tiền tuyến…
Mà đâu chỉ chăm lo thuốc men đầy đủ cho người bệnh, ông Bảy còn là “anh nuôi” trong suốt thời gian thương bệnh binh… nội trú. “Thức ăn không đủ, anh em cùng nhau đi giăng lưới cắm câu về chế biến nuôi thương bệnh binh. Khi nào thiếu thì đến nhà dân, bà con có gì cho nấy, cả những viên thuốc kháng sinh mua để dành cho gia đình”, ông Bảy nhớ lại, giọng đầy xúc động.
Truyền dịch bằng… nước dừa
Ông Bảy Ngôn kể lại, việc dùng nước dừa thay dịch truyền trong những tình huống nguy nan đã cứu sống được rất nhiều thương binh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dịch truyền y tế - một nguồn cung cấp nước và chất điện giải quan trọng có thể nói là vô cùng khan hiếm bởi là loại rất khó cất giấu để vận chuyển. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các “quân y viện” dã chiến mà còn ở các bệnh viện trị bệnh cho người dân.
Do đó, cán bộ quân y, dân y thời chiến không ngừng tìm kiếm các loại dịch truyền thay thế. Sau thời gian thử nghiệm, bác sĩ ở miền Nam, nhất là các bệnh viện, bệnh xá, quân y đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 9 đã sáng tạo cách dùng nước dừa làm dịch truyền cho thương binh.
Qua thông tin từ ông Bảy thì bác sĩ Nguyễn Công Thiện (Tám Thiện), nguyên Giám đốc Sở Y tế (tỉnh Hậu Giang lớn) cùng anh em đơn vị cũng là một trong những nhóm người nhiệt tình nghiên cứu, thử nghiệm và bạo gan truyền cho thương binh.
Nói thì dễ nhưng ban đầu cũng vấp phải những khó khăn khi chưa biết lựa loại dừa nào, nước dừa giãn chảy không đều nên cơ thể người bệnh cũng khó tiếp nhận… Sau đó, các cán bộ y tế đã tìm ra phương pháp hấp cách thủy để đảm bảo nước dừa giữ được tính chất phù hợp. Quy trình này dễ áp dụng với những thiết bị y tế đơn giản, giúp triển khai rộng rãi tại nhiều đơn vị quân y miền Nam, nhất là ở những địa bàn có nhiều dừa như vùng Hậu Giang. “Cứu sống được nhiều người lắm. May mắn là không có trường hợp nào bị sốc…”, ông Bảy Ngôn thông tin thêm.
Thầy thuốc ưu tú này kể tỉ mỉ: Dừa được chọn lấy nước phải ở nơi đất thoáng đãng, khô ráo, không gần khu vực bị ô nhiễm. Buồng dừa sau khi chặt trên cây phải dùng dây thòng thả xuống, chứ không quăng thẳng xuống đất.
Từng trang ký ức tiếp tục về với ông Bảy: Sau đó, phải lựa chọn từ trái dừa tốt, không già, không non quá, trái phải tròn đều, có cơm dừa mềm. Lấy nước xong thì phải chẻ đôi trái dừa ra để quan sát, nếu phần cơm dừa bị hư thì phải bỏ nước.
“Phải qua các công đoạn lựa vậy thì dừa này mới cho nước trong, không nhiều lượng dầu, a-xít, không bị lợn cợn, khi truyền vào tĩnh mạch thông suốt, không bị tắc, không ảnh hưởng đến tính mạng thương binh”, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang khẳng định.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà con ra Viện - Trường Y tế Vị Thanh trị bệnh, nằm viện khá đông. Cán bộ y tế phục vụ nhiệt tình, vô tư, miễn phí thuốc men. Hầu hết bà con, kể cả cán bộ y tế, ai cũng thích truyền dịch, thậm chí còn xin dịch truyền đem về nhà truyền bồi dưỡng cho người thân nên chưa đầy 2 năm sau, kho dịch truyền cạn kiệt.
Trước tình hình đó, ngoài việc pha chế dịch truyền tại chỗ, ông Tám Thiện chỉ đạo cho Tổ dược của Viện - Trường Y tế Vị Thanh tiếp tục “chưng cất” nước dừa thay thế Glucose để phục vụ bà con.
“Hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi là…”
Nhìn lại hành trình dài đã qua, từ một chàng trai còn bỡ ngỡ trong những ngày đầu bước vào nghề, ông Bảy Ngôn đã trở thành thầy thuốc ưu tú.
Với những học trò của mình, ông Bảy thường xuyên nhắc nhở làm nghề y không chỉ cần chuyên môn, kỹ năng mà còn phải có lòng nhân ái và đạo đức nghề nghiệp. “Mỗi vết khâu không chỉ là sự chữa lành thể xác, mà còn là sự gieo hy vọng cho tâm hồn người bệnh”.
Nói và làm với ông đi đôi với nhau khi trong suốt sự nghiệp, dù gặp nhiều thử thách, bác sĩ Ngôn chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. Những ca bệnh phức tạp, vất vả đến đâu ông cũng không than thở mà kiên nhẫn tìm tòi, nghiên cứu mọi phương án, đôi khi thức trắng đêm để đưa ra quyết định chính xác nhất. Ông chia sẻ thêm: “Khoảnh khắc bệnh nhân vượt qua nguy hiểm, khỏe mạnh trở lại, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi”.
Dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Phạm Văn Ngôn, Viện - Trường Y tế Vị Thanh, sau này là Bệnh viện Vị Thanh, Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo nên môi trường làm việc đầy nhiệt huyết và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Ông Bảy rất quan tâm đến đời sống của nhân viên từ chế độ lương bổng đến việc khen thưởng xứng đáng. “Nhiều nhân viên sau này gặp tôi vẫn còn đùa rằng, thời bác Bảy, tụi con có thể sắm vàng” ông cười tự hào nhớ lại.
Ở tuổi xưa nay hiếm, Thầy thuốc ưu tú Phạm Văn Ngôn chưa cho phép mình nghỉ ngơi khi tiếp tục hoạt động từ thiện, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Đặc biệt quan tâm đến người bị ảnh hưởng chất độc hóa học và có nhiều hoạt động thiết thực, nên ông từng được giao đảm trách chức vụ Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Hậu Giang…
Với bác sĩ Phạm Văn Ngôn, niềm vui lớn nhất không phải là những danh hiệu hay thành tựu cá nhân, mà chính là từng ngày, từng giờ nhìn thấy những mùa xuân mới được trao lại qua từng bàn tay cứu chữa, từng trái tim hồi sinh của y, bác sĩ và chính mình.
Trưởng thành từ gian khổ, nay được hỏi về y đức, ông Phạm Văn Ngôn gửi gắm: “Tôi thấy anh em có trình độ rồi, có điều kiện học hành tốt rồi, giờ quan tâm nhất là tinh thần, thái độ phục vụ đối với bà con bệnh nhân phải tận tình, coi như ruột thịt của mình, gần gũi với dân nhiều hơn, chăm chú nhiều hơn, chứ đừng ỷ quá vào kỹ thuật cao, máy móc hiện đại mà không suy nghĩ, tìm tòi các phương pháp điều trị bệnh, như vậy là không được”. |
THẢO TIÊN
08:18 17/03/2025
Bệnh án điện tử là một bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành y tế tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.
17:26 13/03/2025
(HGO) - Chiều ngày 13-3, Sở Y tế và Viettel Hậu Giang phối hợp tổ chức Hội thảo Y tế số và triển khai Bệnh án điện tử.
07:58 13/03/2025
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh khá phổ biến hiện nay. Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, hiệu quả, khi diễn biến nặng có thể gây loét da, sưng kéo dài ở chân, nhiễm trùng da… Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồng Minh Triết (ảnh), Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khuyến cáo người dân nên quan tâm khám, điều trị sớm nếu có các triệu chứng bị suy giãn tĩnh mạch để tránh những biến chứng.
05:43 11/03/2025
Với hơn 30 năm công tác trong ngành y, bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Quốc Tuấn, Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng và côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe Nhân dân của tỉnh, vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.
08:57 10/03/2025
(HG) - Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh vừa cấp cứu thành công một sản phụ mắc bệnh mạch máu tiền đạo. Đây là bệnh lý sản khoa hiếm gặp, cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tử vong thai nhi rất cao nếu không được phát hiện xử trí kịp thời.
07:46 05/03/2025
(HG) - Sở Y tế vừa tổ chức Hội nghị Triển khai quyết định về công tác cán bộ đảm bảo theo Đề án số 08/ĐA-UBND tỉnh về tổ chức lại Sở Y tế.
07:23 03/03/2025
Năm năm qua, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh gặt hái nhiều thành tích, là điểm sáng trong các phong trào thi đua của ngành cũng như của tỉnh.
08:40 28/02/2025
(HG) - Ngày 27-2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức Họp mặt Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025) và 21 năm thành lập bệnh viện.
20:45 26/02/2025
Thực hiện Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngành y tế tỉnh quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; đồng thời đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Sở Y tế với phương châm đổi mới, tinh gọn nhưng phải nâng cao chất lượng và hoạt động hiệu quả.
19:56 26/02/2025
(HGO) - Chiều ngày 26-2, Sở Y tế tỉnh đã long trọng tổ chức Họp mặt Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025) và trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú lần thứ 14. Ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Văn Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng trên 200 cán bộ, thầy thuốc ngành y tế qua các thời kỳ dự họp mặt.
16:06 19/03/2025
Tư tưởng độc lập gắn liền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và truyền thống giữ nước tạo nên sức mạnh nội tại đưa dân tộc vượt qua kháng chiến đến ngày 30/4/1975.
16:05 19/03/2025
Tối 18-3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn đã tổ chức lễ kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2025. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tới dự.
16:03 19/03/2025
Các chuyên gia cho rằng tên gọi địa phương sau khi sáp nhập có thể thay đổi, không còn tên cũ nhưng quê hương không mất đi mà vẫn ở đó.
14:31 19/03/2025
(HGO) – Sáng ngày 19-3, sau gần 1 tuần nghị án kéo dài, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên án vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Dũ (sinh năm 1963), cựu Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cùng các đồng phạm theo quy định tại các Điều 174, 360 Bộ luật Hình sự.