Người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca tự ý uống thuốc chống đông máu: Coi chừng tự hại mình !

09/05/2024 | 07:19 GMT+7

Trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vắc-xin phòng Covid-19 của hãng có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp là hình thành cục máu đông, có những trường hợp người dân đã tiêm vắc-xin này hoang mang tìm mua các loại thuốc chống đông máu để phòng bệnh. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Vũ (ảnh), Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khuyến cáo: Không nên !

Hiện nay, có các loại thuốc chống đông máu nào thường được sử dụng trong điều trị, thưa bác sĩ ?

- Trong điều trị các bác sĩ sử dụng 3 nhóm thuốc chống đông: Nhóm các Heparin không phân đoạn và trọng lượng phân tử thấp, Warfarin và các thuốc chống đông máu kháng vitamin K, nhóm các thuốc chống kết tập tiểu cầu (đây là nhóm thuốc thường dùng nhất, nhóm thuốc này ưu tiên tác dụng trên động mạch). Các thuốc chống đông máu trong nhóm các thuốc chống kết tập tiểu cầu, như: Aspirin, Clopidogrel (Plavix), Dipyridamole (Persantine), Prasugrel (Effient), Ticagrelor (Brilinta), Vorapaxar (Zontivity) ngăn cản các tiểu cầu kết tập tạo ra các nút tiểu cầu dẫn tới hình thành cục.

Việc hình thành cục máu đông hay huyết khối trong tim và não rất nguy hiểm, vì có thể gây ra đau tim hoặc đột quỵ và các biến chứng nguy hiểm khác. Nên nếu đối với các bệnh nhân bị một số bệnh về tim hoặc mạch máu, lupus hoặc huyết khối tĩnh mạch chi (DVT), vừa phẫu thuật hoặc đã được ghép van tim nhân tạo, việc sử dụng các thuốc chống đông máu sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, vẫn phải sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với người bình thường, muốn phòng ngừa đột quỵ nên tự uống thuốc chống đông máu có nguy hại và rủi ro gì, thưa bác sĩ ?

- Đối với một người bình thường không nên tự ý sử dụng thuốc chống đông máu vì có những nguy hại, rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng. Đông máu không phải lúc nào cũng là một hiện tượng xấu. Khi chúng ta bị đứt tay, đông máu giúp bịt kín vết thương, hạn chế mất máu. Vì vậy, khi một người dùng thuốc chống đông máu, nguy cơ chảy máu nhiều hơn nếu bị những vết cắt nhỏ hoặc vết bầm tím, thậm chí có thể bị chảy máu bên trong nếu bị ngã hoặc đập đầu.

Người sử dụng thuốc chống đông máu nên hết sức cẩn thận khi tham gia các hoạt động va chạm, dễ gây thương tích. Hãy đến bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu chảy máu bất thường nào, như kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, có máu trong nước tiểu hoặc phân, chảy máu lợi hoặc chảy máu mũi, nôn mửa hoặc ho ra máu, chóng mặt, đau đầu dữ dội hoặc đau bụng.

Khi dùng thuốc chống đông máu kháng K như warfarin, bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng nếu cần, hoặc thậm chí là chuyển sang dùng “thuốc giải độc” vitamin K.

Thuốc chống đông máu được sử dụng trong điều trị một số loại bệnh về tim và các tình trạng làm tăng nguy cơ tạo thành các cục máu đông nguy hiểm. Tuy nhiên, kể cả người bệnh để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ.

Trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vắc-xin Covid-19 của hãng có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp là hình thành cục máu đông, không ít người đã tiêm vắc-xin này tìm mua các loại thuốc chống đông máu để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo gì ?

- Trước thông tin này, tôi khuyên người dân hết sức bình tĩnh vì bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh hay vắc-xin nào cũng có tác dụng phụ cả và đây là tác dụng phụ hiếm gặp nên không nên hoang mang, lo lắng quá nhiều. Mỗi người nên đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu có vấn đề gì về sức khỏe bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị thuốc tốt nhất. Tránh những rủi ro do tự mua thuốc chống đông uống mà không đúng chỉ định.

Không có biện pháp tự nhiên nào được chứng minh có thể làm tan cục máu đông. Tuy nhiên, một số thay đổi về lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống thực hiện tại nhà có thể giúp giảm nguy cơ đông máu và cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể. Chúng bao gồm: Tập thể dục mỗi ngày để máu lưu thông, ngăn ngừa cục máu đông. Mỗi ngày tập thể dục 30 phút đều đặn. Giảm nguy cơ béo phì, tăng cholesterol. Tránh nằm lâu hoặc ngồi lâu. Kiểm tra và điều trị các bệnh lý nền cho tốt như: Bệnh tim mạch, van tim nhân tạo, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy giãn tĩnh mạch,…

Đông máu không phải lúc nào cũng là một hiện tượng xấu...

Đối với một người bình thường không nên tự ý sử dụng thuốc chống đông máu vì có những nguy hại, rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng. Đông máu không phải lúc nào cũng là một hiện tượng xấu. Khi chúng ta bị đứt tay, đông máu giúp bịt kín vết thương, hạn chế mất máu.

Vì vậy, khi một người dùng thuốc chống đông máu, nguy cơ chảy máu nhiều hơn nếu bị những vết cắt nhỏ hoặc vết bầm tím, thậm chí có thể bị chảy máu bên trong nếu bị ngã hoặc đập đầu.

 

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>