Nhiều lợi ích thiết thực khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

19/05/2023 | 08:28 GMT+7

Với mức tham gia chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, khi đủ điều kiện theo quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng, góp phần ổn định cuộc sống khi về già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện luôn được quan tâm thực hiện.

Số tiền đóng nhỏ nhưng lợi ích lớn

Được triển khai thực hiện từ năm 2008, BHXH tự nguyện là chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực. Nếu như trước đây, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng tại các doanh nghiệp mới được tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động; nhờ có BHXH tự nguyện, là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không tham gia BHXH bắt buộc đều có quyền tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh: BHXH tự nguyện có phương thức đóng rất linh hoạt, mức đóng phù hợp. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình và có thể thay đổi mức đóng từ thấp lên mức cao hơn. Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập thì người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó.

Được sự tư vấn của cán bộ địa phương, chị Nguyễn Mỹ Ngân, ở ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh quyết định tham gia BHXH tự nguyện, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai. Chị Ngân cho biết: “Được mọi người tư vấn, tôi hiểu BHXH tự nguyện có nhiều cái lợi, do đó tôi đã tham gia loại hình bảo hiểm này. Tôi mong muốn sau này có được khoản lương hưu, để cuộc sống được an nhàn, không phải phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Được biết, chị Ngân tham gia BHXH tự nguyện gần 3 năm, mỗi tháng chị đóng 297.000 đồng.

Còn bà Nguyễn Thị Rết, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy cũng tham gia BHXH tự nguyện, với mong muốn tuổi già thảnh thơi, không phải cậy nhờ con cháu. Theo bà Rết, trước đây bà công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, tháng 10-2018 bà có quyết định nghỉ hưu. Tuy nhiên, lúc này do tham gia BHXH bắt buộc mới được 13 năm 7 tháng nên bà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, do đó, bà đề nghị hưởng một lần. Sau này, khi được tư vấn, giải thích về chính sách BHXH tự nguyện nên bà đã quyết định tham gia tiếp BHXH tự nguyện. “Chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước có nhiều cái hay, vừa có lương hưu, vừa được cấp thẻ BHYT nên tôi tham gia với mong muốn đỡ gánh nặng cho con cháu sau này”, bà Rết bộc bạch. Hiện nay, bà Rết là Phó Chủ tịch Hội Người mù, chất độc da cam, người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em huyện Vị Thủy. Ngoài thực hiện tốt công tác vận động để chăm lo cho những người yếu thế, bà còn tích cực tuyên truyền, vận động mọi người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Hình thức bảo hiểm với nhiều tính ưu việt

BHXH tự nguyện là hình thức bảo hiểm với nhiều tính ưu việt, giúp người lao động tự do, người dân khu vực nông thôn… giảm bớt khó khăn, rủi ro lúc về già hay không còn sức lao động. Đồng thời, chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về vấn đề tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ với cộng đồng và phát triển xã hội. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, thời gian qua BHXH tỉnh đã phối hợp cùng các ngành, hội đoàn thể, bưu điện, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện đến người dân như có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời… Ngoài ra, người dân còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo, bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Tính đến đầu tháng 5, toàn tỉnh có 13.610 người tham gia BHXH tự nguyện. Để thực hiện đạt chỉ tiêu 22.574 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2023, từ đây đến cuối năm, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể và bưu điện; BHXH các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đến người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần đưa chính sách đến với người dân. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc BHXH tỉnh, xác định công tác tuyên truyền là yếu tố then chốt trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, ngoài tuyên truyền qua các cuộc hội nghị, phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, BHXH tỉnh cùng với Bưu điện tỉnh và các địa phương tiếp tục duy trì cách làm đến tận hộ gia đình để phổ biến các quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng. Với cách làm này, người dân dễ dàng nắm được thông tin, quyền lợi cũng như được giải đáp ngay những vướng mắc, băn khoăn.

BHXH tự nguyện là chính sách có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, lao động có thu nhập thấp, giúp người tham gia được hưởng lương hưu để trang trải sinh hoạt hàng ngày khi hết tuổi lao động, không phải phụ thuộc đến con cháu về sau, góp phần đảm bảo an sinh xã hội,…

Để tra cứu thông tin về BHXH tự nguyện, người lao động có thể tra cứu theo 3 phương thức, qua: Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam: baohiemxahoi.gov.vn, hoặc Tổng đài hỗ trợ, chăm sóc khách hàng: 1900 9068, hoặc Ứng dụng “VssID-BHXH số”.

 

Người tham gia BHXH tự nguyện khi có đủ các điều kiện theo quy định, được hưởng lương hưu hàng tháng để có nguồn thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động, được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất nếu người tham gia qua đời.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>