Vang mãi hào khí Tầm Vu !

19/04/2018 | 08:43 GMT+7

Những ngày tháng 4 lịch sử, Tầm Vu lại rợp cờ hoa. Tầm Vu bất diệt của thời kháng chiến chống Pháp, anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn còn đây. Một lần nữa nghe kể lại những chiến công oanh liệt thời mưa bom bão đạn và hôm nay của con người vùng đất này lại thêm tự hào!

Tầm Vu - Thạnh Xuân đang trên đường phát triển.

Nối tiếp chiến công

Lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng chiến công thì được nhân đôi. Đó là 4 chiến công của quân và dân ta đánh bại những lần giặc Pháp xua quân ngang Tầm Vu giai đoạn 1946-1948. 

Từ những ngày cuối tháng 12-1945, tình hình chiến sự lan nhanh; thực dân Pháp ở Cần Thơ được tăng viện quân viễn chinh từ Pháp sang; Bộ Chỉ huy của chúng ở Cần Thơ được chuyển thành Bộ Chỉ huy Quân sự ở miền Tây Nam bộ, do đại tá Dessert làm tư lệnh. Sau đó, quân Pháp tổ chức nhiều cuộc càn quét, đánh phá mở rộng vùng chiếm đóng ở quận Châu Thành, đáp lại, lực lượng vũ trang của ta không ngừng ngày đêm đánh chặn làm tiêu hao sinh lực địch.

Lần đánh thắng bất ngờ của ta có thể kể đến là trận Tầm Vu 1 đánh xe cơ giới địch, mở màn cho những trận chiến tiếp theo trên chiến trường Cần Thơ. Theo đó, vào ngày 20-1-1946, đơn vị Cộng hòa vệ binh của ta do đồng chí Nguyễn Đăng chỉ huy đã tổ chức đánh đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, diệt 2 xe quân sự, giết chết một số tên địch, trong đó có tên Dessert - một trong 5 sĩ quan cao cấp của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Chiến lợi phẩm ta thu được gồm 10 súng, trong đó có 2 trung liên.

Đến giữa tháng 11-1946, thực dân Pháp trắng trợn phá hoại Tạm ước 14/9, mở ra các cuộc đánh phá ác liệt phong trào cách mạng ở Nam bộ, thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước. Thời gian này, Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ đã tranh thủ củng cố, xây dựng lực lượng nên thế và lực có một bước phát triển. Để đối phó địch phản bội Tạm ước, Tỉnh ủy Cần Thơ chủ trương đẩy mạnh các hoạt động vũ trang trừng trị địch; các đơn vị Vệ quốc đoàn nhanh chóng phối hợp với quân dân du kích địa phương tổ chức tấn công địch liên tục, gây cho chúng nhiều thiệt hại, như trận Tầm Vu 2, do đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy phục kích từ đầu cầu Tầm Vu trở ra Cái Tắc.

Lúc ấy là 8 giờ ngày 12-11-1946, với lòng quả cảm, mưu trí, gan dạ, quân ta nổ súng tấn công địch trên đoạn lộ Tầm Vu trong vòng 20 phút, tiêu diệt hoàn toàn 1 xe, đánh hư nặng 2 xe, diệt 60 tên lính, thu 60 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng.

Tiếp nối chiến công các trận Tầm Vu 1, Tầm Vu 2, sau 3 tháng nghiên cứu chiến trường và nắm quy luật hành quân của địch, ta quyết định mở trận Tầm Vu 3, do đồng chí Khu bộ trưởng Huỳnh Phan Hộ chỉ huy.

Đêm 15-4-1947, Chi đội 23 (gồm 4 trung đội), Đại đội Cửu Long, Trung đội trợ chiến và các lực lượng tình báo đội, vệ quốc đội, công an xung phong, du kích địa phương… bí mật ém quân tại rạch Láng Hầm. 8 giờ hôm sau, bất ngờ có 3 tên Pháp dẫn 1 tiểu đội vào rạch này đốn tre, tưởng bị lộ, ta đánh diệt gọn bọn chúng rồi rút lui. Sau khi theo dõi nắm tình hình thấy không lộ nên ngày 3-5-1947, ta trở lại Láng Hầm và bí mật đưa quân sát lộ Tầm Vu. Đúng dự đoán, 16 giờ cùng ngày, ta phát hiện địch đi qua liền nổ súng tấn công tiêu diệt hoàn toàn 6 xe quân sự, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 súng cối 80 ly và 60 ly, 4 trung liên, 37 súng trường cùng nhiều đạn dược của địch.

Trận Tầm Vu 3 chiến thắng nhanh gọn với những yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trước tiên phải nói đến nhân hòa. Bởi sau trận đánh bọn địch vào đốn tre, quân ta rút lui, địch vào khủng bố đồng bào nơi đây rất mạnh tay, nhưng 17 ngày sau quân ta trở lại, đồng bào vẫn giữ bí mật cho cách mạng hoạt động.

Tiếp theo chiến thắng Tầm Vu 1, 2, 3, trận Tầm Vu 4 (ngày 19-4-1948) cũng giành thắng lợi to lớn với sự tham gia nhiều đại đội của Trung đoàn 122, 123, 124, 125 và Bộ đội Hồ Chí Minh, Tình báo đội, dân quân du kích,… dưới sự chỉ huy của Khu Bộ trưởng Trương Văn Giàu và Tham mưu trưởng Võ Quang Anh.

Đây là trận đánh của ta với mưu trí rất cao, nắm chắc tình hình và quy luật hoạt động của địch với chiến thuật “Điệu hổ ly sơn”. Theo đó, vào đêm 12, 13-4-1948, ta bắn pháo 81 ly vào đồn điền Bảy Ngàn làm cho địch rối loạn; ngày 14, 15 và 16-4 ta kéo quân ra đóng tại rạch Láng Hầm. Đồng bào ở đây đùm bọc, giữ bí mật rất tốt và vẫn sinh hoạt bình thường. Để lừa địch, trong ngày 16 ta rút quân, đến chiều ngày 18 ta trở lại đóng quân rất êm. Sáng 19-4, đoàn xe của địch từ Cần Thơ vào Cái Tắc đi Rạch Gòi. Ta quyết định lúc đoàn xe trở về mới đánh và một lần nữa bí mật phục kích sát lộ Tầm Vu.

14 giờ ngày 19-4, đoàn xe địch lọt vào trận địa, quân ta nổ súng và nổ địa lôi đánh tới tấp vào đoàn xe địch 18 chiếc rồi làm chủ trận địa; còn 2 chiếc nồi đồng và 2 xe quân sự đi sau chạy thoát về Rạch Gòi. Quân ta đã tiêu diệt gần 100 tên, trong đó có 2 đại úy là chỉ huy trưởng, bắt sống 80 tên; thu gần 200 súng các loại, đặc biệt là khẩu đại bác 105 ly. Chiến công này vang dội khắp chiến trường Đông Dương.

Ông Nguyễn Văn Khôi (tên kháng chiến là Nguyễn Xuân Kỳ), năm nay 86 tuổi, 61 tuổi Đảng, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, kể thời đó ông chưa thoát ly, chỉ nghe về các trận Tầm Vu nhưng rất tự hào.

Trận Tầm Vu 3 ông nhớ khá rõ về tình cảm của người dân nơi đây với cách mạng. “Bộ đội ở đây được bà con nuôi chứa, che chở, cái gì cũng cho ăn, ở tới đâu dân nuôi tới đó; ăn rồi, khi rút quân là có bánh tét của bà con gói để bộ đội đem theo ăn có sức đánh giặc”, ông Khôi kể.

- Dân tốt đến vậy hả ông?

 “Nói gì bao nhiêu đó, cách mạng kêu đốn cây là đốn cây, kêu phá nhà là phá nhà, cán bộ chỉ đạo gì là dân làm hết cái đó. Lòng trung thành của dân với cách mạng lúc ấy sắt son lắm!”, ông Khôi khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Khôi (phải) kể cho cán bộ xã Thạnh Xuân nghe ký ức về chiến thắng các trận Tầm Vu.

Ai cũng là người mình mang ơn !

Khu di tích chiến thắng Tầm Vu hiện tọa lạc trên địa bàn xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A.

Vùng đất Thạnh Xuân ngày nào đầy thương tích chiến tranh giờ khoác lên mình một màu xanh của những vườn cây ăn trái trù phú; con người Thạnh Xuân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng xây dựng đời sống sung túc nhiều mặt, năng động sản xuất, vì vậy mà toàn xã giờ chỉ còn 85 hộ nghèo/tổng số 2.742 hộ.

Sống trong đại gia đình có nhiều thế hệ một lòng Đảng, Bác Hồ, ông Đặng Ngọc Tân (ở ấp Trầu Hôi), Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, kể ông bà nội, ngoại của mình những năm chống Pháp xem việc nuôi chứa bộ đội là trách nhiệm; trong khi đó, chú, bác, cô, dì, cha của ông lại tham gia chống Mỹ, đánh Mỹ…

Phát huy truyền thống cách mạng, khi trưởng thành, ông nhiệt tình tham gia công tác ở ấp với các chức danh ấp đội, phó công an ấp, trưởng công an ấp, bí thư chi bộ ấp, phó chủ tịch UBMTTQ xã Thạnh Xuân… Có những chức vụ không được tiền lương, hay lương thấp nhưng với ông phục vụ quê hương, Nhân dân là chính.

Cuộc đời làm cách mạng cho đến nay, ông Tân tâm đắc nhất là đã khơi dậy được ý thức của dân khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vươn lên làm kinh tế hiệu quả và xây dựng nông thôn phát triển nhiều mặt. “Toàn xã có 26 cống thủy lợi hở và tròn thì dân tự nguyện góp tiền xây 4 cống để khép kín diện tích sản xuất. Còn làm lộ giao thông nông thôn, năm 2017, người dân ở đây và con em của Thạnh Xuân đi làm ăn xa, thành đạt về ủng hộ tiền làm lộ, cầu 1,5 tỉ đồng, đó là chưa tính sức dân góp ngày công lao động”, ông Tân nói. 

Thạnh Xuân đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới với các tiêu chí đạt cao về chất lượng. Lộ giao thông đảm bảo đi lại trong toàn xã cả hai mùa mưa nắng, trong đó 57% lộ chiều ngang 3,5m; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn 3,09%, có đến 70% hộ khá, giàu; từ năm 2007 đến nay, Đảng bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh… Ông Lê Quang Duy nói, kết quả đó xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó, đoàn kết, dân chủ rộng rãi và vì lợi ích tập thể, lợi ích của người dân là hết sức quan trọng, được thực hiện xuyên suốt.

Thấy cán bộ, đảng viên vì sự phát triển quê hương mà người dân xã nhà cũng hết lòng chăm lo kinh tế gia đình.

Thuộc diện khá giàu, ông Nguyễn Văn Út, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Xẻo Cao, luôn năng động áp dụng tiến bộ vào trồng trọt.

Nhà có 12 công cam, ông Út cho biết mỗi năm bán trái thu về hơn trăm triệu đồng. Điều này là do ông biết ứng dụng phương pháp tưới tiêu hợp lý, theo nhu cầu nước của cây; bón phân cân đối, tăng lượng phân hữu cơ hơn phân hóa học, phòng ngừa dịch bệnh… Theo ông Út, 289 hội viên nông dân ấp này đều chí thú làm ăn, chỉ còn 4 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất hay già yếu. “Trong sinh hoạt chi hội, tôi cũng luôn nhắc anh em nên quan tâm phát huy truyền thống anh hùng quê hương mình để không phụ lòng thế hệ đi trước”, ông Út cho biết thêm.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Xuân Lê Quang Duy nói: “Vì ai cũng là người mình mang ơn, nên ở vai trò đứng đầu cấp ủy địa phương, tôi đã yêu cầu và cùng với cấp ủy, chính quyền, Nhân dân ra sức trả ơn bằng những việc làm hiệu quả, vì cái chung tiến bộ”.

Trên vùng đất Tầm Vu - Thạnh Xuân đầy mưa bom bão đạn nhưng lòng dân ngày ấy - bây giờ với Đảng vẫn sắt son như hình với bóng. Họ không sợ mất mát, hy sinh cho độc lập dân tộc thì công cuộc kiến thiết quê hương ngày nay có sá gì! Hào khí Tầm Vu vẫn còn vang mãi !

Ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện phía Pháp bản Tạm ước nhằm ngăn ngừa nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo Tạm ước này, các lực lượng quân sự hai bên giữ nguyên hiện trạng trên chiến trường; khoản 9 Tạm ước khẳng định chính phủ hai bên sẽ đình chỉ mọi hành động xung đột và vũ lực, thực hiện các quyền tự do dân chủ ở Nam bộ.

 

Ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A: “Giặc Pháp xé Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Vì vậy, ngày 20-12-1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!...”. Đáp lời kêu gọi của Bác và Trung ương, Nhân dân cả nước từ Nam chí Bắc đã đứng lên chống giặc. Các trận Tầm Vu là biểu hiện sinh động lòng yêu nước của quân và dân Cần Thơ - Hậu Giang ngày ấy chống lại giặc Pháp xâm lược”.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>