Anh - EU tái khởi động đàm phán hậu Brexit

23/10/2020 | 06:36 GMT+7

Đàm phán hậu Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang có tiến triển mới khi hai bên đã có sự nhượng bộ nhất định.

Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost (trái) và nhà đàm phán Brexit của EU Michel Barnier. Ảnh: KT

Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost thông tin trên blog Twitter của mình, các đoàn đàm phán Anh và EU về một thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) đang diễn ra. Hai bên tiến hành các cuộc đàm phán nước rút theo kiểu chạy “marathon” trong thời gian tới, với lịch làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày cuối tuần, mục tiêu đặt ra là đạt được thỏa thuận muộn nhất trong 4 tuần tới.

Theo đó, EU đã phần nào nhượng bộ Anh trong các vấn đề hậu Brexit. Trưởng đoàn đàm phán phía EU Michel Barnier phát đi tín hiệu hòa giải khi phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng, các nhượng bộ cần phải được đưa ra từ cả hai phía. Đây được xem là thay đổi lớn từ phía EU bởi trong Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào tuần trước tại Brussels, các lãnh đạo EU đã đưa ra thông điệp cứng rắn buộc Chính phủ Anh cần phải nhân nhượng trong những chủ đề quan trọng nếu muốn đạt được thỏa thuận.

Tuy nhiên, dù đã bày tỏ thái độ mềm dẻo hơn nhưng các quan chức EU vẫn tiếp tục cảnh báo phía Anh, cần đưa ra các quyết định tỉnh táo. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định, những gì phía Anh quyết định bây giờ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của chính nước Anh.

Ông Charles Michel phân tích: “Thực tế là Vương quốc Anh bây giờ đang phải đưa ra một quyết định quan trọng cho chính tương lai của mình. Đây không phải là việc lựa chọn một chiến thuật đàm phán mà là lựa chọn mô hình xã hội và mô hình kinh tế tương lai của nước Anh. Liệu nước Anh có muốn quy định các trợ cấp nhà nước và duy trì các tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm hay khí hậu, đồng thời, duy trì quan hệ thân thiết với châu Âu không? Nếu có, tại sao họ không cam kết những điều đó trong thỏa thuận tương lai với châu Âu?”.

Việc nối lại đàm phán đã chấm dứt những ngày căng thẳng giữa hai bên, kể từ khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố hôm 16-10 về việc kết thúc các đàm phán với EU, trừ khi phía EU thay đổi căn bản cách tiếp cận.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hối thúc các doanh nghiệp tăng cường sự chuẩn bị cho khả năng không đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, trong lúc thời gian sắp hết. Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU cũng tỏ ra cứng rắn muốn Anh nhượng bộ trong các vấn đề còn mâu thuẫn. Điều này đồng nghĩa với việc cả Anh và EU đều muốn kết thúc “vở kịch Brexit tồi tệ” theo hướng không thỏa thuận hậu Brexit.

Thời gian qua, qua nhiều vòng thương lượng, cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thỏa thuận trong giai đoạn hậu Brexit vẫn vướng mắc trong một loạt vấn đề chính như quyền đánh bắt cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, ngày 21-10, ông Barnier cho biết một số tiến bộ đã đạt được về những đảm bảo “sân chơi bình đẳng” cho các công ty, trong đó bao gồm vấn đề trợ cấp của chính phủ - một dấu hiệu cho thấy những bất đồng khó khăn giữa hai bên có thể vượt qua được.

Tuy nhiên, theo giới phân tích kịch bản “không thỏa thuận” hậu Brexit là phương án hai bên đều muốn tránh. Bởi lẽ nếu kịch bản này diễn ra thì cả EU và Anh đều bị thiệt hại. Theo tính toán của tờ Financial Times (Anh), Brexit không thỏa thuận sẽ gây thiệt hại ngang nhau cho EU và Anh, bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, Anh là bạn hàng lớn thứ ba của khối, chiếm 13% lượng giao dịch hàng hóa. Riêng với Anh, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại song phương, Brexit sẽ khiến Anh thiệt hại 3,9% GDP về lâu dài. Khi đó, nền kinh tế Anh được dự báo gánh chịu tổn thất lớn gấp 3 lần so với thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.

Vì nhiều lý do liên quan, việc quay lại bàn đàm phán lần này nhiều khả năng cả Anh và EU sẽ nhượng bộ để đạt thỏa thuận hậu Brexit theo quy định nhằm chấm dứt “mối tình ngang trái” đã rạn nứt từ lâu.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>