Anh ngăn loay hoay với Brexit

08/09/2019 | 12:21 GMT+7

Chiều ngày 6-9 (theo giờ Anh, tối 6-9 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Anh đã thông qua dự luật ngăn chặn khả năng Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận.

Như vậy, cả Thượng viện và Hạ viện Anh đã thông qua dự luật trên. Dự kiến, vào hôm nay (ngày 9-9), dự luật sẽ được Nữ hoàng Anh phê chuẩn và chính thức có hiệu lực.

Mục đích của dự luật nhằm ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10 tới. Theo đó, dự luật sẽ buộc Chính phủ Anh phải đề nghị Liên minh châu Âu kéo dài thời hạn Brexit thêm 3 tháng, đến ngày 31-1-2020, trong trường hợp Anh không thể đạt được một thỏa thuận với EU trước ngày 19-10.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) trong phiên trả lời chất vấn các nghị sĩ. Ảnh: CNN

Thủ tướng Anh đã chỉ trích gay gắt dự luật và gọi đây là “dự luật đầu hàng”, tước đi cơ hội để Anh đàm phán một thỏa thuận với EU. Ông Johnson nói rằng “thà chết trong mương nước” còn hơn là yêu cầu gia hạn từ EU, và trước đó ông cũng nói sẽ đưa Anh ra khỏi châu Âu vào ngày 31-10, “làm hoặc chết”.

Nhà lãnh đạo Anh giờ đây hy vọng phe đối lập sẽ thông qua yêu cầu của ông tổ chức bầu cử sớm vào giữa tháng 10 để thiết lập một thế đa số mới ủng hộ chiến lược Brexit của ông, là đưa Anh rời EU bằng mọi giá dù là có thỏa thuận hay không. Tuy nhiên, thành công là không chắc chắn. Bởi các đảng đối lập những ngày qua cũng không bỏ lỡ thời gian để tập hợp sự ủng hộ.

Theo một người phát ngôn Công đảng đối lập, Thủ lĩnh Jeremy Corbyn, sáng 6-9, đã có một cuộc họp tích cực qua điện thoại với các đảng đối lập khác nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận, cũng như về các cuộc bầu cử.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao đảng độc lập Scotland, đảng đối lập lớn thứ 2 tại Nghị viện tuyên bố, đảng này sẵn sàng làm việc với các đảng khác nhằm đảm bảo các cuộc bầu cử diễn ra “đúng thời điểm”: “Ông Boris Johnson sẽ không thể quyết định thời điểm bầu cử. Chúng ta đều biết những gì ông ấy đang cố gắng làm khi tìm cách đóng cửa Quốc hội. Bất chấp tính toán của ông ấy, chúng tôi sẽ quyết định thời điểm bầu cử. Anh sẽ tổ chức bầu cử vào thời điểm thích hợp”.

Có thể có một kịch bản khác dành cho Thủ tướng Anh, như chính trị gia Adam Tomkins, cựu giáo sư luật, khuyên rằng ông Johnson nên từ chức. “Bất kể chúng ta nghĩ gì về Brexit, hay Thủ tướng, chắc chắn tất cả chúng ta đều đồng ý một nguyên tắc cơ bản: chính phủ buộc phải tuân thủ luật pháp”, ông nói: “Nếu luật pháp buộc Thủ tướng phải hành động theo một cách nhất định, và Thủ tướng từ chối hành động, ông ta chỉ có một lựa chọn: từ chức. Đơn giản như vậy”.

55 ngày trước thời hạn Anh phải rời Liên minh châu Âu, chính trường nước Anh vẫn rối như tơ vò. Một sự trì hoãn Brexit lần thứ 4 sẽ phải được tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu còn lại thông qua. Dù các nhà lãnh đạo EU dường như cũng để ngỏ cho khả năng này, song Thủ tướng Phần Lan Antti Rinni, hiện đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu hôm qua cũng phải thừa nhận, khả năng đạt thỏa hiệp với Liên minh châu Âu về một sự chia tay có trật tự dường như là không thể vào thời điểm hiện nay.

Chuyên gia phân tích Larissa Brunner thuộc Trung tâm chính sách châu Âu, nhận định: “Có vẻ như Quốc hội Vương quốc Anh đã giành chiến thắng trong trận chiến đặc biệt này trong việc ngăn chặn Brexit không có thỏa thuận vào ngày 31-10. Nhưng cuối cùng, tất cả những khúc ngoặt đó không thực sự giải quyết được vấn đề rất cơ bản. Chỉ có ba kết quả có thể xảy ra trong toàn bộ quá trình Brexit. Đó là có thỏa thuận, không có thỏa thuận hoặc Chính phủ Anh phải thu hồi Điều 50 và dừng toàn bộ tiến trình. Theo tôi tất cả những hỗn loạn trên chính trường Anh chỉ là trì hoãn việc đưa ra quyết định mà thôi”.

Theo báo cáo gần đây của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, nếu Brexit không thỏa thuận sẽ kéo xuất khẩu của Anh với các nước châu Âu sụt giảm khoảng 7%, tương đương 16 tỉ USD. Ảnh hưởng lớn nhất là ngành ô tô với mức giảm lên đến 5 tỉ USD.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>