Azerbaijan và Armenia bắt đầu bàn giao lãnh thổ

22/11/2020 | 11:22 GMT+7

Thỏa thuận ngừng xung đột tại khu vực Nagorno-Karabakh đang được các bên liên quan thực thi. Thế giới vẫn đang hy vọng thỏa thuận này sẽ là tiền đề cho một giải pháp chính trị lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với khu vực này giữa Armenia và Azerbaijan.

Việc bàn giao lãnh thổ đã được lùi lại một tuần vì lý do nhân đạo. Ảnh: AP

Ngày 20-11, quân đội Azerbaijan đã tiến vào huyện Aghdam, giáp Nagorno-Karabakh, sau khi lực lượng Armenia rút khỏi đây hôm 19-11. Theo thỏa thuận, tiếp sau Aghdam, phía Armenia sẽ trao trả huyện Kalbajar, nằm giữa vùng Nagorno-Karabakh và Armenia, vào ngày 25-11 và huyện Lachin trước ngày 1-12.

Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27-9 vừa qua đã gây thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.

Ngày 9-11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh. Theo thỏa thuận, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực tiền tuyến Nagorno-Karabakh và hành lang giữa khu vực này với Armenia nhằm giám sát lệnh ngừng bắn.

Cũng theo thỏa thuận này, Armenia nhất trí trả lại 15-20% lãnh thổ vùng Nagorno-Karabakh mà lực lượng Azerbaijan đã giành quyền kiểm soát trong thời gian bùng phát xung đột vừa qua, trong đó có thị trấn lịch sử Shusha. Theo lịch trình ban đầu, việc bàn giao lãnh thổ được tiến hành từ ngày 15-11 nhưng đã được lùi lại một tuần vì các lý do nhân đạo.

Thỏa thuận ngừng xung đột Nagorno-Karabakh được thế giới ủng hộ nhưng lại khiến chính quyền của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian rơi vào khủng hoảng, khi vấp phải sự phản đối của người dân trong nước.

Hàng nghìn người dân Armenia vẫn đang đổ xuống đường phản đối thỏa thuận trong nhiều ngày qua. Họ kêu gọi Thủ tướng Pashinian từ chức, khi ký vào thỏa thuận ngừng bắn mà họ cho là “bất lợi” với Armenia.

Một âm mưu ám sát Thủ tướng Armenia từng được lên kế hoạch, song rất may đã được phát hiện kịp thời. Mới đây, Tổng thống Armenia Sarkisian đã kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội sớm ở nước này để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Theo Tổng thống Sarkisian, chính phủ của Thủ tướng Armenia cần đưa ra lộ trình cho cuộc bầu cử sớm và điều này sẽ giúp đất nước tránh được những “biến động chính trị” sau hơn một tháng xung đột ở Nagorno-Karabakh. Hiện Ngoại trưởng nước này Zohrab Mnatsakanyan cũng đã từ chức.

Dù nhiều lần giải thích là thỏa thuận do phía quân đội tham mưu, đề xuất và việc ký thỏa thuận là điều bắt buộc trong bối cảnh chiến trường lúc bấy giờ, song Thủ tướng Armenia thực sự đang phải chịu áp lực từ chức rất lớn.

Liên quan sự kiện này, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã thiết lập một trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành ở Stepanakert, thủ phủ của khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. Trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành sẽ được tăng cường bằng lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, cũng như các lực lượng, trang thiết bị của Cơ quan Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và đại diện những cơ quan hành pháp liên bang khác.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm thông báo cho người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov về các khía cạnh chính trong nỗ lực thiết lập trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành ở Nagorno-Karabakh. Hai Ngoại trưởng cũng khẳng định sự cần thiết phải có sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế gồm Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khôi phục sau xung đột, giải quyết các nhiệm vụ nhân đạo, bảo tồn những di sản văn hóa và tôn giáo trong khu vực”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>