Bản đồ cổ trong vụ kiện Biển Đông đắt giá

16/09/2019 | 18:43 GMT+7

Bản sao của một bản đồ cổ từng giúp Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông đã được bán đứt trong vòng 4 phút với giá cao ngất ngưỡng.

Bản đồ Murillo Velarde năm 1734 cho thấy bãi cạn Panacot (hay Scarborough).

Tại một cuộc bán đấu giá của phòng trưng bày Leon Gallery ở Philippines tổ chức ngày 14-9, bản sao của một bản đồ cổ năm 1734 từng giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông đã được bán với giá 40 triệu peso (gần 800.000 USD).

Theo nhà đấu giá Leo Gallery, ban đầu bản đồ dự kiến sẽ được bán với giá ít nhất là 18 triệu peso (theo cập nhật của ngày 2-3-2018, tỉ giá 1 peso Philippine (viết tắt: PHP) = 437,08 Việt Nam đồng (VND)). Tuy nhiên, màn đấu giá quyết liệt trong vòng 4 phút giữa 3 nhà sưu tập đã đẩy giá lên nhanh chóng. Giá bán trên cao hơn gần 4 lần so với một bản khác từng được bán bởi nhà đấu giá Sotheby’s ở Anh vào năm 2014. Bản đồ khi đó được Tổng Giám đốc Mel Velarde của mạng viễn thông NOW ở Philippines mua với giá 12 triệu peso.

Tại phiên đấu giá mới nhất, bà Lori Juvida, chủ Leo Gallery là người giành chiến thắng. Chủ nhân mới của bản đồ cho biết bà mua để “tặng một người bạn” Philippines gốc Hoa.

Ông Jaime Ponce de Leon, Giám đốc Leon Gallery, cho biết giá bán cao nhờ tính quý hiếm và giá trị lịch sử của bản đồ. Theo ông, bản đồ thể hiện rõ bằng chứng trong vụ kiện mà Philippines giành chiến thắng tại Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) vào năm 2016.

Bản đồ này lần đầu được xuất bản bởi Pedro Murillo Velarde - một thầy tu dòng Tên - vào năm 1734. Đây là một trong số 270 bản đồ được gửi lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan để củng cố các tuyên bố chủ quyền của Philippines khi Manila đâm đơn kiện Trung Quốc về Biển Đông vào năm 2013.

Bản đồ cổ này vẽ bãi cạn Scarborough (tên được ghi trước đây là Panacot) là một phần lãnh thổ của Philippines. Bãi cạn này nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ 358km về phía Tây.

Bản đồ năm 1734 được xem là “Mẹ của các bản đồ Philippines”. Đây là 1 trong 270 tấm bản đồ dùng làm bằng chứng trong vụ kiện lên PCA, thể hiện bãi cạn Scarborough với tên gọi lúc trước là Panacot, thuộc chủ quyền Philippines và nằm cách đảo Luzon 358km. Thẩm phán Antonio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines từng mô tả đây là tấm bản đồ đã “vạch rõ lãnh thổ Philippines ngày nay”.

Phán quyết được PCA đưa ra vào năm 2016 tuyên bố “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) quét qua khu vực rộng 2 triệu km2 ở Biển Đông mà Trung Quốc tự vẽ ra là phi pháp. Phán quyết cũng xác nhận các quyền của Philippines với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý, gồm bãi cạn Scarborough.

Bản đồ năm 1734 có tổng cộng 8 khuôn đồng và người Anh chiếm hữu khi kiểm soát Manila từ năm 1762-1764 đã đem các khuôn về làm “chiến lợi phẩm”.

Đại học Cambridge sau đó dùng chúng để in các bản đồ và tấm vừa được bán thuộc sở hữu của công tước xứ Northumberland. Hiện trên thế giới còn khoảng 12 tấm, trong đó có 3 tấm tại các thư viện quốc gia Tây Ban Nha, Pháp và thư viện Quốc hội Mỹ và 3 tấm thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân Philippines.

Scarborough là bãi cạn nhỏ cách bờ biển Đông Nam Trung Quốc khoảng 1.000km, lâu nay là tâm điểm tranh chấp giữa Manila, Bắc Kinh và Đài Bắc. Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough kể từ năm 2012 sau vụ một tàu chiến của Hải quân Philippines chặn đứng 8 tàu cá Trung Quốc bị nghi đánh bắt sò tai tượng và san hô trái phép. Sau đó, một cuộc đối đầu kéo dài 2 tháng giữa Philippines và Trung Quốc đã diễn ra.

Cuối cùng, Mỹ đã làm trung gian dàn xếp một thỏa thuận. Cả hai bên đồng ý rút khỏi bãi cạn Scarborough. Philippines đã rút tàu khỏi đây nhưng Trung Quốc vẫn ở lại và sau đó phong tỏa, giành quyền kiểm soát bãi cạn.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>