Bất ổn ở Myanmar vẫn chưa có lời giải

18/02/2021 | 17:38 GMT+7

Biểu tình liên tục diễn ra sau vụ quân đội đảo chính cướp chính quyền hồi đầu tháng 2 đã làm tình hình chính trị ở Myanmar thêm rối ren.

Người dân Myanmar biểu tình ở Yangon. Ảnh: EPA-EFE

Bất chấp việc quân đội triển khai với quy mô lớn, với nhiều xe bọc thép tới các thành phố vào cuối tuần qua, người dân Myanmar vẫn xuống đường trong những ngày qua. Nhiều công nhân, viên chức các ngành nghề đã tiến hành đình công, để phản đối việc quân đội nắm quyền, đồng thời kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước - người bị Quân đội Myanmar bắt giam giữ.

Truyền thông quốc tế cho biết, lực lượng an ninh Myanmar đã phải sử dụng vũ lực, vòi rồng, bắn đạn cao su, để giải tán một số đám đông biểu tình. Mạng viễn thông, internet tại Myanmar đã bị cắt trong nhiều giờ đồng hồ. Điều này đang khiến thế giới đặc biệt quan ngại.

Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc (LHQ) Farhan Haq hôm qua cho biết: “Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đang quan ngại sâu sắc về tình hình tại Myanmar. Ông kêu gọi quân đội và cảnh sát Myanmar đảm bảo quyền biểu tình hòa bình được tôn trọng đầy đủ và người biểu tình phải được bảo vệ. Các vụ bắt giữ quan chức chính phủ, nhà báo, các nhà hoạt động dân sự liên tục đang gây ra nhiều quan ngại. Viễn thông, internet không nên bị gián đoạn, để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả quyền tiếp cận thông tin của người dân”.

Trong một động thái liên quan, Đặc phái viên LHQ về Myanmar, bà Schraner Burgener cũng đã có cuộc đối thoại với giới chức quân đội quốc gia Đông Nam Á này. Trong cuộc thảo luận, bà kêu gọi Quân đội Myanmar không nên “phản ứng gay gắt” với người biểu tình phản đối. Theo bà, thế giới đang theo sát mọi diễn biến tại Myanmar và bất kỳ phản ứng thái quá với người dân đều có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Đại sứ quán Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và 11 quốc gia khác trước đó cũng đã ra một tuyên bố kêu gọi lực lượng an ninh, Quân đội Myanmar “kiềm chế bạo lực” nhằm vào người biểu tình và dân thường.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân bao gồm: 6 quan chức quân sự đương nhiệm và 4 cựu quan chức do đã lãnh đạo cuộc đảo chính. Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp thuộc sở hữu và quản lý bởi quân đội Myanmar cũng bị trừng phạt. Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, tài sản và lợi ích của các cá nhân và thực thể này ở Mỹ sẽ bị phong tỏa.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh của mình lên án hành động của Quân đội Myanmar và kêu gọi giới chức quân sự nước này từ bỏ quyền lực, khôi phục lại chính phủ do dân bầu, trao trả tự do cho những người bị bắt giữ, gỡ bỏ các hạn chế viễn thông và mạng xã hội, và kiềm chế bạo lực.

Trong khi đó, đồng minh truyền thống của các lực lượng vũ trang Myanmar như Trung Quốc và Nga trước đó đã đẩy lùi nỗ lực chỉ trích của cộng đồng quốc tế về vụ chính biến, gọi đây là một sự can thiệp vào “các vấn đề nội bộ” của Myanmar. Tuy nhiên, trong phát biểu đăng tải mới đây, Đại sứ Trần Hải khẳng định: “Diễn biến hiện nay tại Myanmar tuyệt đối không phải điều Trung Quốc muốn thấy”. Ông Hải cũng cho biết, Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên có thể giải quyết bất đồng một cách hợp lý, duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội ở quốc gia Đông Nam Á này”.

Về phía Quân đội Myanmar, Phó Tư lệnh Soe Win khẳng định, việc triển khai quân tới các thành phố đang được người dân nước này ủng hộ, bởi các cuộc biểu tình đang khiến cuộc sống người dân đảo lộn, tâm lý người dân lo sợ.

Dù các nước phương Tây đang lên án về những diễn biến tại Myanmar; song nhiều quốc gia cũng cho rằng, những gì đang diễn ra tại Myanmar là công việc nội bộ của quốc gia này. Trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc của Myanmar, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các bên ở Myanmar tiến hành đối thoại và hòa giải, phù hợp với lợi ích của người dân.

Chính những lập luận trái chiều trên nên tình hình an ninh chính trị ở Myanmar vẫn chưa có lời giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>