Biểu tình bạo loạn lan rộng ở Mỹ

01/06/2020 | 18:19 GMT+7

Lần đầu tiên kể từ năm 1968, thời điểm mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát, ít nhất 140 thành phố của Mỹ đã nổ ra biểu tình và nhiều thị trưởng đã phải ban hành lệnh giới nghiêm.

Người biểu tình ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ. Ảnh: AP

Theo báo New York Times (NYT), lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, có nhiều thị trưởng như vậy ở Mỹ phải đồng thời kích hoạt lệnh giới nghiêm để hạn chế những tổn thất từ các cuộc biểu tình quy mô lớn sau việc ông George Floyd, một người da màu bị cảnh sát giết chết trong tình trạng không có vũ khí tại thành phố Minneapolis của tiểu bang Minnesota.

Giới truyền thông cũng như sử gia Mỹ đều lập tức liên tưởng tới quy mô phong trào một cuộc biểu tình tương tự năm 1968 sau vụ ám sát mục sư Martin Luther King Jr. ngày 4-4-1968.

Vụ ám sát đã làm bùng lên làn sóng biểu tình phản đối gây bất ổn tại hơn 100 thành phố trên toàn nước Mỹ, sự kiện này còn được biết tới với tên gọi Cuộc nổi dậy tuần thánh (Holy Week Uprising). Những vụ bạo loạn lớn nhất liên quan tới phong trào biểu tình này đã xảy ra tại thủ đô Washington D.C., các thành phố Baltimore, Chicago và Kansas.

Hiện tại, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra hàng chục thành phố. Từ New York, Houston, Atlanta cho đến thủ đô Washington D.C., người biểu tình đã tuần hành bày tỏ sự phẫn nộ về vấn nạn phân biệt chủng tộc. Người dân Mỹ trên toàn quốc ở thời điểm này cũng đã sẵn trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng về dịch bệnh Covid-19 khi hơn 100.000 người đã chết vì bệnh này và hàng chục triệu người đã bị mất việc vì vi-rút corona.

Đài CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng và một nguồn thực thi pháp luật tiết lộ hôm 1-6, Tổng thống Trump phải trú dưới hầm khoảng 1 giờ trước khi được đưa lên mặt đất.

Hôm 29-5, người biểu tình đối đầu với các nhân viên Mật vụ bên ngoài Nhà Trắng suốt nhiều giờ. Họ la hét, ném chai nước và các vật thể khác vào lực lượng an ninh, cố gắng vượt qua hàng rào kim loại nhưng bị xịt hơi cay. Nhà chức trách đã bắt giữ 6 trường hợp vi phạm.

Tình hình căng thẳng khiến Thị trưởng Bowser ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm ở Washington DC., bằt đầu từ đêm 31-5 đến sáng 1-6 (giờ địa phương), đồng thời huy động Vệ binh Quốc gia hỗ trợ cảnh sát.

Bất kể lệnh giới nghiêm có hiệu lực, người biểu tình vẫn đốt phá trên các con đường ở gần Nhà Trắng tại thủ đô Washington D.C. Theo báo New York Times, trong đêm 31-5 (giờ Mỹ), cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình xông vào đập vỡ cửa sổ, lật nhào nhiều xe hơi và đốt phá. Khói bụi bốc lên ở gần khu vực tượng đài Washington. Trong khi lửa đốt phá rực lên trên các con đường thì Nhà Trắng gần như tắt toàn bộ hệ thống đèn chiếu bên ngoài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mới đăng tải trên Twitter, tuyên bố rằng “Mỹ sẽ xem Antifa là một tổ chức khủng bố”.

Theo Reuters, tuyên bố trên của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình dữ dội trên khắp nước Mỹ. Một số quan chức hàng đầu Chính phủ của Tổng thống Trump, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Barr, cho rằng nhóm cực tả Antifa và những đối tượng khác ở bang Minnesota đã kích động các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, chưa có thông tin về số lượng người biểu tình tại Mỹ có liên quan đến nhóm Antifa.

Antifa là một nhóm đông gồm những người có quan điểm chính trị cực tả, phần lớn chuộng sử dụng chiến thuật bạo động và cực đoan để truyền tải thông điệp.

Phong trào Antifa không có thủ lĩnh và nổi lên trong những năm gần đây nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc.

Phong trào biểu tình phản đối sau cái chết tức tưởi của ông George Floyd không chỉ lan rộng trên toàn nước Mỹ liên tiếp hơn tuần qua kể từ sau cái chết của ông, những người biểu tình ở London (Anh) và Berlin (Đức) cũng đã đổ ra đường để bày tỏ tinh thần ủng hộ của họ với phong trào này ở Mỹ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>