Căng thẳng Mỹ - Iran có dấu hiệu hạ nhiệt

13/01/2020 | 18:55 GMT+7

Sau màn không kích và tấn công tên lửa lẫn nhau, cao trào của căng thẳng giữa Mỹ - Iran dường như đã có dấu hiệu hạ nhiệt, song vẫn chưa thể kết thúc.

Cả bà A.Merkel lẫn ông V.Putin đều mong muốn ngăn chặn sự leo thang xung đột ở Trung Đông. Ảnh: REUTERS

Kể từ thời điểm Iran phát động cuộc tấn công tên lửa nhằm vào hai căn cứ tại Iraq có lính Mỹ đồn trú vào rạng sáng 8-1, hiện chưa có thêm bất kỳ động thái quân sự tiếp theo nào từ cả hai bên.

Mới nhất, ngày 12-1, trong các buổi tiếp Quốc vương Qatar Sheikh Al-Thani đang ở thăm Iran, cả Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đều đã nhất trí giải pháp hạ nhiệt căng thẳng cho cuộc khủng hoảng khu vực hiện nay.

Dẫu vậy, việc Mỹ và Iran không có các hành động quân sự tiếp theo không đồng nghĩa với việc màn trả thù Mỹ cho Tướng Iran Soleimani đã kết thúc. Ngày 12-1, căn cứ không quân lớn nhất Iraq Balad có quân đội Mỹ đồn trú đã bị tấn công bằng 8 quả rocket. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 4 binh sĩ bị thương và theo các nguồn tin, họ đều là binh sĩ Iraq. Dù chưa có lực lượng nào nhận tiến hành vụ tấn công, song chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nghi ngờ các lực lượng ủng hộ Iran tại khu vực là thủ phạm.

Cùng ngày, thủ lĩnh lực lượng vũ trang Hezbollah, tại Lebanon có mối quan hệ thân thiết với Iran tuyên bố, giờ là lúc các đồng minh của Iran trả thù cho Tướng Soleimani bị Mỹ không kích giết hại.

Thủ lĩnh nhóm Hezbollah cảnh báo, tốt nhất là người Mỹ, lính Mỹ, các đội tàu khí tài quân sự của Mỹ nên rời khỏi khu vực hoặc là họ sẽ phải “nằm xuống”. Người đứng đầu nhóm Hezbollah khẳng định, sự kiện Tướng Iran thiệt mạng sẽ không bao giờ bị lãng quên - nó mở ra một khởi đầu mới, một trận chiến mới, một kỷ nguyên mới cho khu vực.

Giữa lúc nguy cơ xung đột ở Trung Đông vẫn tiềm ẩn, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11-1 hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Matxcơva. Về tình hình Iran, cả hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đều cho rằng cần duy trì Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Putin hy vọng sẽ không xuất hiện các hoạt động quân sự lớn ở khu vực này, nếu không tình hình sẽ trở thành một thảm họa đối với cả thế giới. Theo ông chủ Điện Kremlin, việc này dẫn tới một luồng người tị nạn quy mô lớn, không chỉ đối với châu Âu, mà còn đối với cả các khu vực khác. “Đó sẽ là một thảm họa nhân đạo, một thảm họa liên tôn giáo, một thảm họa kinh tế. Bởi nó sẽ dẫn tới việc phá hủy hoặc gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế thế giới và năng lượng thế giới”, ông Putin khẳng định.

Đài truyền hình nhà nước Đức Deutsche Welle dẫn lời giới phân tích Nga rằng sau những động thái của Mỹ, cả ông Putin lẫn bà Merkel hiện chia sẻ mục tiêu ngăn chặn sự leo thang hơn nữa ở Trung Đông. Chuyên gia về Trung Đông Andrei Ontikov cho biết Nga không muốn Trung Đông đẫm máu nên sẽ phối hợp với Đức và phần còn lại của châu Âu để hành động.

Trong một diễn biến khác, Pháp, Anh và Đức vừa thống nhất ra tuyên bố chung kêu gọi Iran tôn trọng đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Thông cáo nêu rõ, 3 nước châu Âu vẫn quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân, hối thúc Iran rút lại mọi biện pháp không phù hợp, tránh xa mọi hành vi bạo lực hay phổ biến hạt nhân. Anh, Pháp và Đức vẫn sẵn sàng đối thoại với Iran trên cơ sở này nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực.

Đây là 3 nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với Mỹ, Trung Quốc và Nga. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh, Tổng thống Donald Trump mới đây kêu gọi châu Âu từ bỏ thỏa thuận và tăng cường sự hiện diện quân sự tại Trung Đông.

Tuy nhiên, Anh, Pháp và Đức vẫn quyết tâm cứu vãn văn kiện mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi cách đây hơn 1 năm và đang tập trung mọi nỗ lực nhằm hối thúc Iran quay lại thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được nêu trong thỏa thuận.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>