Căng thẳng Nhật - Hàn vẫn chưa hạ nhiệt

29/11/2019 | 08:53 GMT+7

Tranh cãi về một chuyện cũ từ những năm 1910-1945, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản chưa có hồi kết. Động thái trên đã khiến Mỹ, một đồng minh thân cận phải lo lắng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc gặp tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17-11-2019. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo đó, quan hệ Nhật - Hàn đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi các Tòa án Hàn Quốc hồi cuối năm 2018 phán quyết một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang đã đề xuất dự luật thành lập một quỹ bồi thường chung nhằm giải quyết vấn đề cưỡng bức lao động trong thời kỳ chiến tranh, vấn đề được xem là nguyên nhân chính gây tranh cãi trong quan hệ với Nhật Bản thời gian qua. Dự luật kêu gọi cung cấp 300 tỉ won (tương đương 255 triệu USD) tổng số tiền bồi thường cho khoảng 1.500 nạn nhân bị cưỡng ép lao động khổ sai thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945. Số tiền này do các công ty, chính phủ cũng như công dân của hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp trên tinh thần tự nguyện.

Ngoài ra, khoản tiền 6 tỉ won còn lại chưa sử dụng từ Quỹ Hòa giải do Nhật Bản đóng góp, được thành lập năm 2015 để xoa dịu nỗi đau cho các phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho quân đội Nhật Bản nhưng nay đã bị ngừng hoạt động, cũng sẽ được đưa vào quỹ mới nói trên. Các nghị sĩ Hàn Quốc đã giới thiệu dự thảo luật trên tại cuộc họp được tổ chức hôm 25-11. Tuy nhiên, hiện không rõ các nạn nhân có chấp nhận đề xuất của ông Moon hay không.

Căng thẳng thật sự leo thang khi hồi đầu tháng 7 Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu các loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo.

Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết trên của Tòa án Hàn Quốc và sau đó đã chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul.

Trong một diễn biến liên quan, hồi cuối tháng 8, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã đề xuất và được Tổng thống Moon Jae-in chấp thuận hủy bỏ Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được ký năm 2016 nhằm giúp hai quốc gia láng giềng châu Á này đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết, hai bên gặp bế tắc xoay quanh các quan điểm hiện nay về GSOMIA. Theo kế hoạch GSOMIA sẽ hết hạn vào ngày 23-11 tới.

Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực hối thúc hai nước đồng minh ở châu Á vượt qua các vấn đề song phương đang làm tổn hại đến những nỗ lực của ba bên để tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, Mỹ đã hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực thu hẹp bất đồng để duy trì Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) giữa hai nước láng giềng Đông Á này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho rằng có rất ít dấu hiệu thể hiện Tokyo và Seoul thay đổi lập trường.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác quốc phòng giữa 3 nước nhằm giải quyết các thách thức an ninh.

Hiện tại, cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không đưa ra được giải pháp nào cho vấn đề hiện nay. Thay vào đó, ba nước lại ra tuyên bố chung chung, trong đó khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, thiết lập phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát nhận định, mặc dù Mỹ đã nỗ lực hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn với vai trò là đồng minh tin cậy nhưng căng thẳng giữa hai quốc gia trên vẫn khó hạ nhiệt khi họ chưa tìm được tiếng nói chung.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>