Cảnh báo đáng sợ của WHO về Covid-19

29/09/2020 | 09:04 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người tử vong do đại dịch Covid-19 có thể tăng gấp đôi, lên 2 triệu người, trước khi vắc-xin được sử dụng rộng rãi và con số này còn cao hơn nếu không có hành động phối hợp kiềm chế đại dịch.

Người dân nhận hàng cứu trợ trong đại dịch Covid-19 tại Guatemala. Ảnh: REUTERS

Ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh nếu các nước không nỗ lực hết sức để đối phó với dịch Covid-19, kịch bản 2 triệu cas tử vong có thể sẽ xảy ra.

Theo ông Ryan, vẫn chưa có nơi nào an toàn trước sự lây lan của dịch Covid-19. Chuyên gia này cho rằng những cuộc tụ tập đông người trong nhà là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 28-9, tổng số cas mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 33.290.400 trường hợp, trong đó có 1.001.970 trường hợp tử vong. Số cas mắc bệnh đã phục hồi là 24.608.817 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Colombia.

Dịch bệnh hiện cũng đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Nhiều nhà lãnh đạo tại Mỹ Latinh đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch đối với kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải chứng kiến sự suy thoái tài chính lớn chưa từng có. Hiện có nhiều nước Mỹ Latinh đang nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó, một số quốc gia ở châu Âu đang chứng kiến xu hướng gia tăng số cas mắc mới.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về đại dịch Covid-19, nhận định sự gia tăng đó một phần do hoạt động xét nghiệm được tiến hành tốt hơn nhưng cũng có sự gia tăng đáng lo ngại về số cas điều trị và cần chăm sóc đặc biệt. Kết quả phân tích dữ liệu của Trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy số cas nhiễm mới tại Pháp, Đức, Italia, Nga, Tây Ban Nha, Ukraine, Anh đã tăng 5% hoặc cao hơn so với tuần trước.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 304.226 cas nhiễm và 5.344 cas tử vong, tăng lần lượt 2.995 và 60 cas. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ ưu tiên mua vắc-xin Covid-19 do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp, bày tỏ lạc quan nước này sẽ “trở lại bình thường” vào tháng 12.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 275.213 cas nhiễm, tăng 3.874 so với hôm trước, trong đó 10.386 người chết, tăng 78 cas. Thủ đô Jakarta đang siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.700 người nhiễm, tăng 15 cas. Phần lớn các cas nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Trong lúc này, WHO tiếp tục thảo luận với Trung Quốc về việc tham gia COVAX, chương trình được lập ra nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng và công bằng đối với vắc-xin phòng ngừa Covid-19 trên toàn cầu. Một nội dung đàm phán là khả năng Bắc Kinh cung cấp vắc-xin cho chương trình này. Hiện có 159 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia COVAX trong khi 34 nước khác đang cân nhắc.

Về lĩnh vực kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ lâu hơn dự kiến và một số nước phải mất nhiều năm mới tăng trưởng kinh tế trở lại.

Kể từ đầu đại dịch đến nay, IMF đã hỗ trợ khoảng 90 tỉ USD cho 79 nước, trong đó có 20 nước châu Mỹ Latinh. Tại sự kiện trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ) tổ chức, ông Okamoto cho hay IMF đang tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên về việc đối phó, giảm thiểu tác động kinh tế do Covid-19.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>