Có vắc-xin không chưa đủ dập dịch Covid-19

18/11/2020 | 17:28 GMT+7

Nhiều quốc gia thông tin đã có vắc-xin ngừa Covid-19 thật sự là niềm vui của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên chỉ có vắc-xin không chưa đủ điều kiện để dập dịch.

Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 của Moderna trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 5-8-2020.  Ảnh: AFP

Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ vừa thông báo, theo dữ liệu sơ bộ có được, một loại vắc-xin ngừa Covid-19 có hiệu quả tới 94,5% và hãng này có thể cung cấp cho Chính phủ Mỹ tới 20 triệu liều vào cuối năm nay.

Đại diện Moderna cho biết, đây là kết quả phân tích mới nhất từ quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với loại vắc-xin có tên gọi mRNA-1273 của công ty. Có khoảng 30.000 tình nguyện viên tham gia quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của Công ty Moderna và cuộc thử nghiệm không thấy tác dụng phụ nguy hiểm do vắc-xin này gây ra.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói rằng đây là những kết quả rất khích lệ và con số 94,5% là mức hiệu quả vượt bậc.

Như vậy, mRNA-1273 đã trở thành vắc-xin thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần thông báo kết quả thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 có hiệu quả cao hơn dự kiến. Trước đó, vắc-xin phòng Covid-19 do Công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, cũng cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn cũng như xem xét những quy định về pháp lý để đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắc-xin trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỉ liều trong năm 2021.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 loại vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó 42 vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng. Đây thật sự là tín hiệu vui cho cộng đồng quốc tế trong nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lại nhận định: “Vắc-xin sẽ bổ sung cho những công cụ còn lại mà chúng ta có, chứ không thay thế được những công cụ đó. Chỉ riêng vắc-xin sẽ không chấm dứt được đại dịch Covid-19”.

Theo ông Tedros, nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 ban đầu sẽ hạn chế nên không thể cung cấp đồng loạt cho mọi quốc gia và người dân mà còn phải ưu tiên theo trình tự quốc gia sản xuất, các nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao khác… Bên cạnh đó, giá thành của vắc-xin đầu tiên sẽ cao nên những quốc gia nghèo khó tiếp cận để được tiêm phòng.

Mặc dù vắc-xin dự kiến sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giúp hệ thống y tế có khả năng đối phó với đại dịch, tuy nhiên hiện tại chưa thể sản xuất vắc-xin đại trà với số lượng lớn nên vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ hoành hành, do đó người dân và chính phủ các nước vẫn cần cảnh giác.

Đáng quan ngại thông tin có vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ tạo tâm lý chủ quan khiến nhiều quốc gia dỡ bỏ giãn cách xã hội và các biện pháp phòng tránh hữu hiệu như mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… Từ đó làm dịch bệnh dễ lây lan và bùng phát.

Theo trang thống kê Worldometers, đại dịch Covid-19 tiếp tục hiện diện ở 217 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 55,3 triệu người nhiễm, hơn 1,33 triệu người tử vong và hơn 38,3 triệu trường hợp khỏi bệnh. Mỹ là nước bị Covid-19 hoành hành nghiêm trọng nhất, với trên 11,5 triệu bệnh nhân và hơn 252.500 người tử vong. Các nước châu Âu cũng điêu đứng với đợt dịch mới bùng phát, đặc biệt là Pháp và Italia đều chứng kiến hơn 500 cas tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Còn tâm dịch của châu Á vẫn là Ấn Độ. Số cas mắc Covid-19 ở nước này hơn 8,8 triệu trường hợp, số tử vong hơn 130.550 người.

Theo giới phân tích, việc có vắc-xin ngừa Covid-19 được xem là tín hiệu vui cho nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trước khi vắc-xin được sản xuất đại trà, các quốc gia cần tiếp tục áp dụng các giải pháp phòng tránh cần thiết để kiểm soát dịch bệnh nhằm tránh dịch tiếp tục lây lan và những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>