Đàm phán hòa bình bán đảo Triều Tiên: Lo ngại “bình cũ, rượu cũng cũ”

23/08/2019 | 08:28 GMT+7

Đe dọa, trừng phạt, khẩu chiến, hạ nhiệt, đàm phán... cứ lặp đi lặp lại mà chẳng có được kết quả khả quan nào đã làm cho kịch bản đàm phán Mỹ - Triều rơi vào nhàm chán.

Một loại tên lửa được Triều Tiên phóng thử nghiệm tại địa điểm bí mật ở nước này. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Mới đây, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Biegun thăm Hàn Quốc, tiến hành thảo luận với đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon. Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hai quan chức sẽ có các cuộc trao đổi về cách thức hợp tác nhằm đảm bảo việc sớm nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên tiến tới thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo này.

Tại đây, ông Stephen Biegun tuyên bố, Washington sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Biegun khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia (cuộc đối thoại cấp chuyên viên với Triều Tiên) ngay sau khi chúng tôi nhận được thông tin từ các đối tác ở Triều Tiên”.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Biegun tới Hàn Quốc từ ngày 20 đến 22-8, sau khi thăm Nhật Bản 3 ngày. Chuyến thăm nhằm mở ra triển vọng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Sự kiện này được Washington lên kế hoạch sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước thông báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ rằng Triều Tiên sẵn sàng nối lại đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa với Mỹ và nước này sẽ dừng các vụ phóng thử tên lửa ngay khi cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn kết thúc.

Mặc dù nhiều chuyên gia dự đoán, các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục được nối lại sau khi tập trận chung giữa liên minh Mỹ - Hàn kết thúc, tuy nhiên cũng không ít người hoài nghi kịch bản cũ lại tiếp diễn. Bởi lẽ, 3 lần đàm phán trước đây diễn ra ở Singapore, Việt Nam và trên đất Triều Tiên đều không đạt được kết quả nổi bật nào.

Hay nói một cách khác, kịch bản đàm phán Mỹ - Triều diễn ra tương tự nhau mà không đi đến kết quả cuối cùng. Theo đó, sau khẩu chiến căng thẳng, cả Mỹ - Triều Tiên đều xuống giọng nhằm hạ nhiệt, xoa dịu dư luận. Rồi xúc tiến đàm phán, hứa hẹn, cam kết…, nhưng kết quả cuối cùng đâu vẫn vào đấy không có sự thay đổi nào.

Điển hình như sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 mới đây không thành công, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tập trận chung bất chấp Triều Tiên phản đối. Để trả đũa cho việc này, Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa ra biển Nhật Bản. Đây là lần thứ 6 trong vòng hơn 2 tuần qua Triều Tiên tiến hành phóng thử vũ khí. Nếu tính từ tháng 5 vừa qua, đây là vụ phóng thứ 8.

Cùng thời gian này, phát ngôn viên của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên tuyên bố Bình Nhưỡng không có ý định đối thoại với Hàn Quốc một lần nữa, đồng thời cho rằng triển vọng mong muốn nối lại các cuộc đàm phán sau khi Seoul kết thúc cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ là “vô nghĩa”. Bởi lẽ, Bình Nhưỡng luôn cáo buộc các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là hành động “diễn tập xâm lược” Triều Tiên.

Trong một động thái liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19-8 đã gia hạn lệnh cấm các công dân nước này du lịch tới Triều Tiên thêm 1 năm. Lệnh cấm du lịch được áp đặt vào tháng 9-2017 sau cái chết của Otto Warmbier, một sinh viên đại học người Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên và tử vong không lâu sau khi trở về nhà trong trạng thái hôn mê. Với quyết định mới được ban hành, lệnh cấm du lịch Triều Tiên sẽ kéo dài tới ngày 31-8-2020.

Những diễn biến gần đây trong quan hệ Mỹ - Triều gần giống với kịch bản đã từng diễn ra mà giới phân tích ví von là “bình cũ, rượu cũng cũ”. Điều này làm dấy lên quan ngại đàm phán Mỹ - Triều sẽ tiếp tục không có đáp án thỏa đáng như mong đợi.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>