Dịch Covid-19 khuấy đảo châu Âu

16/03/2020 | 18:16 GMT+7

Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát tại nhiều nước châu Âu.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố châu Âu là “tâm chấn mới của đại dịch Covid-19”. Ảnh: CNN

Theo dữ liệu của Worldometers cập nhật lúc 7h45 ngày 16-3, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 153 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với 6.515 cas tử vong và 169.415 cas mắc bệnh.

Ngày 15-3 có thể coi là ngày tang tóc nhất đối với Italia khi số cas tử vong do vi-rút SARS-CoV-2 tại quốc gia này lên cao đỉnh điểm. Đã thêm 368 cas tử vong, nâng số cas tử vong lên thành 1.809 và 3.590 cas nhiễm mới. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Italia có 24.747 cas nhiễm. Sau gần 1 tuần áp dụng lệnh phong tỏa, Italia vẫn phải chịu tổn thất nghiêm trọng.

Tây Ban Nha hiện là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, sau Italia. Tính đến hết ngày 15-3, nước này đã ghi nhận thêm 96 cas tử vong và 1.454 cas nhiễm mới, nâng số cas tử vong lên thành 292 và số cas mắc là 7.845.

Đức cũng ghi nhận số cas nhiễm mới tăng vọt với 1.214 cas, nâng tổng số cas mắc Covid-19 lên thành 5.813. Trong khi đó, Pháp ghi nhận 127 cas tử vong và 5.423 cas mắc tính đến thời điểm hiện tại.

Ngoài 4 nước trên, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng chứng kiến số cas mắc Covid-19 mới không ngừng gia tăng.

Pháp và Tây Ban Nha đã nối gót Italia, áp đặt lệnh phong tỏa với hàng chục triệu người dân. Người dân phải ở trong nhà trừ lý do mua thực phẩm hoặc thuốc men, đi làm, khám bệnh hoặc vì các lý do khẩn cấp khác. Các cơ sở nếu không kinh doanh lương thực hoặc nhu yếu phẩm sẽ phải đóng cửa. Ngày 16-3, Chính phủ Pháp phải công bố một văn bản tổng hợp về các kịch bản có thể xảy ra với nước Pháp và các phương án tiếp theo cần triển khai để đấu tranh với Covid-19. Tuy nhiên, những ước tính đầu tiên của hội đồng khoa học cũng khẳng định một thực tế là các biện pháp đối phó của Chính phủ Pháp trong thời gian qua là chưa đủ. Thực tế, số cas tử vong vì Covid-19 đã tăng gấp đôi trong vòng 72 giờ, trong các khu vực được coi là ổ dịch, vi-rút SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh. Tại các bệnh viện, các bộ phận hồi sức, cấp cứu đang hoạt động hết công suất và sẽ sớm quá tải.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng một số quan chức cấp cao cũng nhất trí đóng cửa biên giới với ba nước láng giềng phía Tây Nam bắt đầu từ 8h sáng 16-3 theo giờ Đức.

Các chuyên gia y tế đầu ngành tại Anh nhận định khả năng dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến 12 tháng tại nước này, tức đến mùa Xuân năm 2021. Dự tính có đến 80% dân số Anh sẽ bị mắc Covid-19 và 15% trong số đó, tương đương khoảng 7,9 triệu người buộc phải nhập viện để điều trị. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, nước này đang chuẩn bị cấm tụ tập đông người và cách ly những người già trên 70 tuổi trong thời gian tối đa là 4 tháng như một phần của kế hoạch đối phó với vi-rút SARS-CoV-2.

Các nước châu Âu chưa khi nào rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội nghiêm trọng như thế trong gần 1 thế kỷ qua, có lẽ là từ sau Thế chiến 2. Về mặt kinh tế, chưa ai tính toán được các thiệt hại của châu Âu, nhưng Ủy ban châu Âu đã thừa nhận là gần như chắc chắn khối này sẽ tăng trưởng âm trong năm nay vì dịch có lẽ phải mất vài tháng nữa mới suy yếu. Trong một thập kỷ qua châu Âu đã liên tiếp phải đối mặt với những thách thức cực kỳ lớn, từ khủng hoảng kinh tế 2008, khủng hoảng nợ công từ 2012, khủng hoảng tị nạn 2015, Brexit 2016, nhưng dịch Covid-19 này là thách thức sống còn nghiêm trọng nhất với châu Âu.

Đã có những phân tích lo ngại rằng nếu hậu quả của Covid-19 quá lớn, Liên minh châu Âu có thể tan vỡ. Ít nhất đến thời điểm này, khi các nước ồ ạt đóng cửa biên giới thì có thể thấy là Hiệp ước Schengen về tự do đi lại mang tính biểu tượng của châu Âu trên thực tế đã không còn giá trị.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>