Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan mạnh ở châu Âu

01/04/2020 | 08:32 GMT+7

Hơn 25.000 cas tử vong tại châu Âu do dịch Covid-19 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với châu lục già này.

Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Verduno, Italia, ngày 29-3.    Ảnh: AFP

Theo đó, trong tổng số gần 400.000 cas mắc Covid-19 chính thức được công bố, có 25.037 cas tử vong. Châu Âu hiện là khu vực có số cas tử vong do mắc Covid-19 cao nhất trên toàn thế giới. Trong số đó, Italia là quốc gia có số bệnh nhân nhiễm và tử vong lớn nhất, với hơn 97.689 cas nhiễm và hơn 10.779 cas tử vong.

Chỉ trong một ngày, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 812 cas tử vong, nâng số cas tử vong lên hơn 7.700 trong tổng số hơn 87.195 cas nhiễm bệnh. Pháp hiện có hơn 40.174 cas nhiễm và tử vong hơn 2.606 cas. Anh cũng có hơn 19.522 cas nhiễm và số cas tử vong hơn 1.228. Ngoài ra còn có Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… có hơn 10.000 cas nhiễm Covid-19 và trên 100 cas tử vong. Hiện tốc độ lây lan của dịch bệnh tại châu Âu rất nhanh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mặc dù các quốc gia liên quan đã có nhiều giải pháp ngăn chặn.

Vì sao dịch Covid-19 lại lây lan nhanh ở châu Âu trong khi điều kiện kinh tế, y tế của hầu hết các quốc gia thuộc châu lục này đều cao so với mức trung bình của toàn thế giới? Giới phân tích cho rằng, có 2 yếu tố khiến châu lục này bị lây nhiễm nhanh dịch Covid-19 là yếu tố chủ quan và triển khai chậm các giải pháp ngăn chặn. Trong số đó, bài học từ Italia được đề cập đầu tiên.

Nhóm 3 giáo sư Đại học Harvard - gồm Gary Pisano, Raffaella Sadun và Michele Zanini đã nêu một số chi tiết khi đề cập đến dịch Covid-19 ở Italia. Theo đó, hiện quốc gia có số cas mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ nhưng có số cas tử vong do dịch bệnh này cao nhất thế giới, với tỷ lệ hơn 11%, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ chỉ ở mức 1,7% (2.457 cas tử vong trong tổng số 140.990 cas mắc tính đến sáng ngày 30-3).

Nguyên nhân chính dẫn đến dịch Covid-19 lây lan nhanh và để lại hậu quả nghiêm trọng là do phản ứng chậm trễ và thiếu đồng bộ từ giới chức Chính phủ Italia. Họ chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, và thậm chí chỉ áp dụng biện pháp này khi số cas Covid-19 bắt đầu tăng đột biến trong khi người dân vẫn còn thờ ơ với các biện pháp cần thiết.

Thực tế, ban đầu Italia chỉ tập trung vào một số khu vực nhất định có số cas mắc cao, được gọi là “vùng đỏ”. Ở các vùng đỏ, biện pháp phong tỏa cũng chỉ thực hiện tùy theo mức độ bùng phát dịch bệnh của mỗi khu vực.

Những biện pháp phong tỏa cục bộ này đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ thêm. Khi các lệnh phong tỏa một phần ở từng địa phương có hiệu lực, người dân lại chạy tới các khu vực ít bị hạn chế hơn của đất nước và họ vô tình mang theo mầm bệnh (khi chưa có triệu chứng gì) tới các khu vực khác. Hệ lụy của việc này đã khiến Italia phải trả giá đắt.

Mặt khác, những thói quen tương tác xã hội vẫn phổ biến dù đã có cảnh báo về sự nguy hiểm của Covid-19. Nhiều người dân và giới chức tại Italia lại có quan niệm tỷ lệ tử vong từ dịch Covid-19 cũng khá thấp thì sao lại hoang mang lo sợ? Từ đó chủ quan, chậm đề ra giải pháp để ngăn chặn nhất là giải pháp cách ly xã hội.

Thực tế, các đại dịch là mối nguy hiểm khó đoán trước và đặc biệt khó đối phó bởi nó bắt đầu từ một con số nhỏ nhưng tăng nhanh theo cấp số mũ. Khoảng thời gian hiệu quả để áp dụng các biện pháp mạnh phải cực sớm, khi mối đe dọa có còn nhỏ - hoặc thậm chí trước khi có bất cứ trường hợp nào nhiễm bệnh.

Ngoài ra, một số quốc gia ở châu Âu như Anh có cách tiếp cận sai lầm về dịch Covid-19 khi đưa ra “giải pháp cộng đồng” (cho dịch bệnh lây lan để tạo miễn dịch cộng đồng) đã vô hình trung làm cho dịch bệnh lây lan nhanh.

Từ thực tế trên, giới quan sát nhận định dịch Covid-19 ở châu Âu sẽ còn lây lan dai dẳng nhiều tháng nữa nếu các quốc gia châu lục này không có giải pháp ngăn chặn quyết liệt và toàn diện.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>