Dịch Covid-19: WHO cảnh báo ngày càng nguy hiểm hơn

31/07/2020 | 08:56 GMT+7

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 đã thật sự hiện hữu với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm khó lường.

Ảnh: The GUARDIAN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 sẽ là “một làn sóng lớn” chứ không mang tính mùa vụ như cúm thông thường. Chính yếu tố này đã khiến cho tình trạng lây lan của SARS-CoV-2 ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của con người. Bà Margaret Harris, người phát ngôn của WHO cho biết, SARS-CoV-2 là loại vi-rút gây bệnh đường hô hấp chủng mới, tốc độ lây lan của nó không giống như các loại vi-rút gây bệnh hô hấp theo mùa thông thường. Việc nhận định đến mùa hè, tốc độ lan truyền SARS-CoV-2 sẽ yếu bớt không có cơ sở khoa học nên mọi người cần phải hết sức cẩn thận, cảnh giác và không thể chủ quan.

Cũng theo người phát ngôn WHO, nhân tố ảnh hưởng đến sự lây truyền của SARS-CoV-2 là việc tụ tập quy mô đông người, không áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, cũng như không sử dụng các biện pháp phòng ngừa trong tiếp xúc gần. Vì vậy, ở những địa phương tụ tập đông người, tiếp xúc gần dịch bệnh lây lan rất nghiêm trọng.

Thực tế diễn biến dịch Covid-19 những ngày gần đây cho thấy, nhận định trên hoàn toàn chính xác. Chỉ trong ngày 29-7, thế giới ghi nhận 263.626 cas Covid-19 mới và 6.307 cas tử vong, nâng tổng số cas mắc lên hơn 17 triệu và tổng số cas tử vong là 668.779. Mỹ vẫn đứng đầu trong danh sách số cas mắc và tử vong, với hơn hơn 4,5 triệu trường hợp mắc bệnh và 153.448 cas tử vong.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lothar Wieler, người đứng đầu Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm cho biết: “Sự lây nhiễm xảy ra ở mọi nơi: tại các bữa tiệc gia đình, đám cưới, bạn bè gặp gỡ, nơi làm việc, tại căn hộ đang sinh sống và cả trong viện dưỡng lão. Chúng ta phải ngăn vi-rút khỏi lây lan nhanh chóng và không thể kiểm soát này”.

Hiện tại, dịch Covid-19 không chỉ lây lan mạnh ở châu Âu, Mỹ Latinh  mà còn tái bùng phát tại nhiều quốc gia châu Á vốn dĩ trước đó đã khống chế được dịch bệnh. Điển hình như trong ngày 28-7, Iran ghi nhận 235 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19, đây là số người thiệt mạng cao kỷ lục trong một ngày ở nước này.

Cùng thời gian trên, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo, 5 ngày qua, liên tiếp các cas Covid-19 mới ở nước này tăng và cũng là sau hơn 4 tháng số trường hợp nhiễm trong ngày tăng trở lại ở mức 3 con số kể từ 21-3. Nếu lần tăng trước chủ yếu là các cas bệnh nhập ngoại, thì lần này có tới 98 cas trong cộng đồng.

Dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh là lý do khiến chính quyền nhiều quốc gia và địa phương bắt đầu áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội như cấm tụ tập đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác như rửa tay thường xuyên, duy trì khoảng cách tiếp xúc.

Từ thực tế trên, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo, người dân ở các quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là đã kiểm soát được đại dịch vẫn phải đặc biệt cảnh giác bởi dịch có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào. “Một điều có thể thấy rõ ràng là khi chúng ta áp đặt các biện pháp hạn chế, số người nhiễm bệnh đã giảm xuống. Khi chúng ta nới lỏng thì số người nhiễm bệnh có thể tăng trở lại. Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là chúng ta đối phó với đỉnh dịch thứ hai hay là đang ở giữa làn sóng thứ nhất và thứ 2 của dịch mà là việc chúng ta áp đặt các biện pháp khống chế dịch bệnh như thế nào”.

Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, đại dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nghiêm trọng nhất. Có 5 tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từng được đưa ra với các dịch bệnh trước Covid-19 như: Ebola (2 đợt bùng phát), zika, bại liệt và cúm lợn. Do vậy WHO khuyến nghị, các quy định hạn chế đi lại không phải là câu trả lời về dài hạn và các quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Trong khi chờ đợi điều chế vắc-xin, giải pháp khả thi để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan hiện nay là tất cả quốc gia và mọi người dân cần nâng cao nhận thức thực hiện các giải pháp phòng dịch và giãn cách xã hội. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu và khả thi hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>