Ethiopia đang thiếu đói trầm trọng

16/02/2024 | 09:20 GMT+7

Xung đột kéo dài nối tiếp thiên tai khiến người dân Ethiopia, quốc gia có tăng trưởng kinh tế đứng thứ sáu châu Phi, phải lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng.

Người dân sơ tán tránh bạo lực tại một trường học ở Mekele, thủ phủ khu vực Tigray (Ethiopia). Ảnh: AFP

Mới đây, chính phủ và các đối tác nhân đạo của Ethiopia công bố bản đánh giá mới nhất dự báo số người không đảm bảo được an ninh lương thực tại Ethiopia có thể lên tới 10,8 triệu người trong những tháng tới.

Các cơ quan viện trợ nhân đạo quốc tế kêu gọi các nhà tài trợ và các chính phủ tăng cường hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng thiếu đói tại Ethiopia do hạn hán xuất phát từ hiện tượng khí hậu El Nino.

Các cơ quan Oxfam và Concern Worldwide cảnh báo, các gia đình đang vất vả sau 2 năm xung đột ở miền Bắc nay tiếp tục đối mặt với những khó khăn ngày càng lớn như mưa thất thường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng, đe dọa nhấn chìm người dân trong thảm họa nhân đạo nếu không hành động ngay.

Concern Worldwide cho rằng, các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất ở miền Bắc Ethiopia gồm Amhara, Tigray và Afar, nơi các cộng đồng dân cư vẫn chưa phục hồi sau cuộc xung đột từ năm 2020-2022.

Trước đó, Ethiopia đã công bố chính thức vỡ nợ và trở thành quốc gia châu Phi thứ 3 vỡ nợ trong nhiều năm qua, sau khi không khoản thanh toán trái phiếu quốc tế trị giá 33 triệu USD. Khoản thanh toán ban đầu đáo hạn vào ngày 11-12 năm ngoái, có thời gian ân hạn kỹ thuật kéo dài đến ngày 26-12, nhờ điều khoản 14 ngày trong thỏa thuận trái phiếu trị giá 1 tỉ USD.

Ethiopia lần đầu tiên yêu cầu giảm nợ theo sáng kiến do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn đầu vào đầu năm 2021. Các chủ nợ chính phủ thuộc khu vực chính thức của Ethiopia, bao gồm cả Trung Quốc, đã đồng ý một thỏa thuận đình chỉ dịch vụ nợ vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, Chính phủ cho biết các cuộc đàm phán song song mà họ thực hiện với các quỹ hưu trí và các chủ nợ thuộc khu vực tư nhân khác nắm giữ trái phiếu của họ đã thất bại. Điều này đồng nghĩa với việc vỡ nợ của quốc gia châu Phi này vẫn chưa được tháo gỡ.

Ethiopia đã vươn lên vị trí thứ sáu trong số các quốc gia phát triển nhất ở châu Phi, với GDP ở mức 96,11 tỉ USD trong năm 2019. Ethiopia được xem là đất nước năng động nhất tại châu Phi trong thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là hơn 10%. Nền kinh tế của quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp. Nhưng nền nông nghiệp ở đây phát triển hiện đại và được gọi là ngành công nghiệp nông nghiệp. Nó chiếm 41% GDP, 80% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% việc làm. Trong đó cà phê là ngành mang lại doanh thu cao nhất cho đất nước này.

Tuy nhiên, xung đột, thiên tai đã làm quốc gia này rơi vào tình cảnh thiếu đói trầm trọng chưa có lối thoát.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hồi cuối năm 2023, gần 20% tổng số 8.552 trường học tại Ethiopia đã bị hư hại một phần hoặc nghiêm trọng do ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên và do con người gây ra. Trong đó có gần 7,6 triệu trẻ em ở Ethiopia đã phải nghỉ học do ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên và do con người gây ra. LHQ lưu ý thêm, giáo dục tiếp tục là một trong những mảng thiếu ngân sách nhất, với nguồn quỹ hiện tại chỉ có khả năng đáp ứng 22%, tức chỉ mang lại lợi ích cho 851.000 trẻ em, so với mục tiêu viện trợ nhân đạo cho 3,8 triệu trẻ em Ethiopia trong lĩnh vực này.

Từ những diễn biến trên cho thấy, bài toán khủng hoảng thiếu đói ở Ethiopia vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Xung đột ở vùng Tigray bùng phát từ tháng 11-2020 đến tháng 11-2022 giữa Quân đội Chính phủ Liên bang Ethiopia và các lực lượng trung thành với Lực lượng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) kiểm soát vùng này. Xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hơn hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa. LHQ cảnh báo, thiên tai kéo dài sẽ khiến hàng triệu người lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>