Giải pháp ngăn chặn bạo lực nhằm vào người gốc Á tại Mỹ ?

07/04/2021 | 07:33 GMT+7

Kỳ thị người gốc Á đang gia tăng tại Mỹ là nguyên nhân chính của các cuộc tuần hành quy mô lớn ở quốc gia này.

Tuần hành phản đối tình trạng bạo lực và gia tăng thù hận chống người gốc Á tại New York, Mỹ ngày 4-4-2021. Ảnh: THX

Mới đây, một video đăng tải trên mạng xã hội cảnh một phụ nữ 65 tuổi người gốc Á đã bị một người đàn ông đá liên tiếp mà không có ai can ngăn. Đây là vụ bạo lực mới nhất nhằm vào người gốc Á ở Mỹ.

Trước đó, tại thành phố Chicago, hai phụ nữ ném một khúc gỗ và nhổ nước bọt vào một người đàn ông Mỹ gốc Hoa 60 tuổi, cáo buộc người này bị bệnh và bảo ông ta “quay trở lại Trung Quốc”.

Cùng thời gian này là vụ phá hoại tại một nhà thờ ở Seattle, nơi có những bức vẽ graffiti với lời lẽ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc.

Liên tiếp những vụ việc hành hung, ngược đãi người gốc Á diễn ra tại Mỹ đã dấy lên những cuộc tuần hành phản đối quy mô lớn. Mới đây, hơn 10.000 người Mỹ gốc Á đã tập trung tại New York để tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn kêu gọi chấm dứt tình trạng thù hận người gốc Á tại Mỹ. Thành phần tham gia tuần hành gồm có các quan chức địa phương, các nạn nhân của nạn thù hận và những người đến từ các cộng đồng thiểu số khác nhau trên cả nước Mỹ. Những người Mỹ gốc Á tham gia sự kiện này chủ yếu là người gốc Hoa và hàng trăm người gốc Nepal, Myanmar hoặc Malaysia.

Người biểu tình phản đối tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á, kêu gọi Chính phủ liên bang công nhận ngày 4-4 hàng năm là Ngày chấm dứt thù hận (Stop Hate Day) tại Mỹ.

Cuộc tuần hành do Liên đoàn Các hiệp hội người Mỹ gốc châu Á của New York tổ chức, coi đây là cơ hội để lên tiếng vì chính quyền và lợi ích của cộng đồng này. Nhà tổ chức kêu gọi Chính phủ Mỹ theo dõi các vụ việc liên quan và thu thập dữ liệu về tội phạm thù hận, đưa vấn đề lên làm ưu tiên hàng đầu và ngăn chặn những hành động hoặc phát ngôn mang tính thù hận.

Một số biện pháp khác cũng được đề xuất như giới chính trị cần chấm dứt mọi hành động bôi nhọ và phân biệt người Mỹ gốc Á, các cơ quan hành pháp cần đẩy mạnh cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và bạo lực thù hận, áp dụng những hình phạt nghiêm khắc với những người vi phạm. Các đơn vị phòng chống tội phạm thù hận nên cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ để hỗ trợ các cộng đồng người gốc Á, các nạn nhân và chung tay cùng các cộng đồng địa phương tìm ra những chiến lược hành động hiệu quả. Chính quyền các cấp từ liên bang tới địa phương nên tuyên truyền để nâng cao nhận thức chống tội phạm thù hận và phân biệt chủng tộc bằng cách cung cấp nhiều hơn những thông tin liên quan. Chính phủ Mỹ cũng cần cung cấp thêm các nguồn lực và tài chính cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động ngăn chặn tội phạm thù hận và giáo dục về tình trạng này để nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các cộng đồng.

Những cuộc tuần hành được tổ chức trong bối cảnh một số vụ bạo lực nhằm vào người châu Á vẫn xảy ra tại New York trong tuần trước bất chấp những hoạt động phản đối bạo lực và tội phạm thù hận liên tục được đẩy mạnh trong thời gian qua.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về chủ nghĩa thù hận và cực đoan Mỹ, số vụ tấn công chống lại người Mỹ gốc Á đã tăng 149% vào năm 2020 tại 16 thành phố lớn của Mỹ so với năm 2019. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 33 vụ tấn công nhằm vào người gốc Á ở Mỹ. Còn theo kết quả một cuộc điều tra do tờ New York Times kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho thấy có hơn 110 vụ việc chống lại người gốc Á đã được báo cáo tại quốc gia này kể từ tháng 3-2020.

Để đối phó với nạn thù hận người gốc Á gia tăng ở Mỹ, ngày 30-3, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp ứng phó với tình trạng bạo lực chống người gốc Á đang gia tăng, bao gồm việc triển khai 49,5 triệu USD từ quỹ cứu trợ Covid-19 cho những chương trình cộng đồng liên bang nhằm giúp đỡ các nạn nhân.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố, Bộ Tư pháp Mỹ đang tập trung vào thực trạng số lượng tội phạm thù hận gia tăng nhắm vào người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương.

Giới phân tích nhận định, phân biệt chủng tộc đã tồn tại lâu đời tại Mỹ nên muốn xóa bỏ không hề dễ dàng. Do vậy bài toán bình đẳng các dân tộc tại Mỹ thật sự là một thách thức đối với chính quyền ông Biden.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>