Giao tranh tại Ukraine khó tìm hồi kết ?

13/01/2023 | 11:36 GMT+7

Nhiều quốc gia gián tiếp tham chiến ở Ukraine đã làm cho giao tranh Nga - Ukraine càng thêm phức tạp.

Lính dù Nga tham gia một cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus. Ảnh: REUTERS

Theo đó, Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sĩ và hỗ trợ nhiều mặt cho Ukraine chống lại Nga. Ngược lại Iran, Belarus cũng cung cấp vũ khí và cho Nga đóng quân trên lãnh thổ để tấn công Ukraine đã làm cho cuộc chiến ngày càng phức tạp.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt với Belarus vì ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định: “Chúng tôi sẽ gây áp lực lên Điện Kremlin bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn cho tới khi cuộc xung đột Ukraine kết thúc. Lệnh trừng phạt cũng sẽ được thực thi với các quốc gia hỗ trợ chiến dịch của Matxcơva. Belarus cần nhận thức rõ những gì phải đối mặt khi muốn tham gia vào vấn đề Ukraine”.

Trong tuyên bố của mình, bà Von der Leyen cũng đề cập tới Iran, khi quốc gia Trung Đông này đã nhiều lần bị tố cung cấp các máy bay không người lái (UAV) cảm tử cho Nga. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Iran vẫn đang phủ nhận các cáo buộc này.

Trong một động thái liên quan, mới đây người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, sự tham gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ vào tình hình ở Ukraine là điều rõ ràng.

Trên thực tế, họ đã trở thành một bên gián tiếp trong cuộc xung đột, cung cấp vũ khí, công nghệ, thông tin tình báo cho Ukraine. Do đó, sự tham gia của họ là điều rõ ràng. Ông Peskov cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng, những tuyên bố của Nga về việc NATO can dự vào khủng hoảng Ukraine có thể thúc đẩy liên minh này tăng cường hỗ trợ cho Kiev.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, hiện phương Tây tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Kiev diễn ra hàng ngày, thay đổi theo hướng phức tạp và tăng cường các đặc điểm chiến đấu của nhiều loại vũ khí được cung cấp. Bên cạnh đó, quá trình huấn luyện cho quân đội Ukraine cũng đang được tăng cường và tất cả những điều này chứng minh cho sự tham gia gián tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột.

Tuần trước, Đức tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Marder để giúp đẩy lùi quân đội Nga, trong khi đó, Mỹ đã cam kết cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Kiev và một ngày sau, Pháp có thông báo tương tự.

Mới đây, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, quân đội Ukraine dự kiến sẽ bắt đầu đợt huấn luyện sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại một căn cứ quân sự ở bang Oklahoma của Mỹ trong vài tuần tới.

Trước đó, quân đội Ukraine từng trải qua một số đợt huấn luyện ở Mỹ, trong đó có khóa đào tạo sử dụng máy bay không người lái Switchblade.

Về phía Nga, cùng với gia tăng tấn công Ukraine từ nhiều hướng, Matxcơva còn tập trận quy mô lớn với Belarus dự kiến sẽ sẽ bắt đầu từ ngày 16-1. Matxcơva và Minsk đã cho thành lập một lực lượng quân sự chung vào tháng 10-2022 nhằm phản ứng trước sự hiện diện ngày càng lớn của các lực lượng NATO gần biên giới Belarus. Belarus được cho đã huy động khoảng 70.000 nhân viên quân sự và phía Nga là 9.000 binh sĩ để tham gia lực lượng chung. Nga còn triển khai một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất của nước này trên lãnh thổ Belarus, có khả năng tấn công Ukraine.

Giới chức cấp cao Belarus cáo buộc NATO đã làm tổn hại tới an ninh quốc gia bằng hành động tăng cường triển khai quân sự ở Đông Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết, riêng Mỹ đã có khoảng 35.000 quân trong khu vực, bao gồm 22.000 quân ở Ba Lan và các nước vùng Baltic. Ông Khrenin nhận định những lực lượng này có thể được dùng để tấn công Belarus.

Những động thái gián tiếp tham chiến của các bên liên quan đã làm cho cuộc chiến Nga - Ukraine vốn đã phức tạp nay lại càng nóng hơn, khó tìm được hồi kết.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>