Iran ra lệnh bắt giữ ông Trump: Trò chơi chính trị

03/07/2020 | 05:27 GMT+7

Việc Iran ra lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump với cáo buộc liên quan đến vụ không kích sát hại tướng hàng đầu của nước này Qassem Soleimani hồi đầu năm 2020 được ví như trò chơi chính trị của Tehran.

Iran ra lệnh bắt giữ Tổng thống Trump.  Nguồn: AFP

Mới đây, Công tố viên Ali Alqasimehr thông báo, Iran đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump mà Tehran cáo buộc đã tiến hành vụ không kích bằng máy bay không người lái sát hại tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimani ở thủ đô Baghdad của Iraq hồi đầu tháng 1-2020, với các tội danh “giết người và khủng bố”. Danh sách phát lệnh truy nã của Tehran còn có 35 người khác, gồm các nhân vật chính trị - quân sự của Mỹ và một số nước liên quan.

Iran cũng đề nghị Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) hỗ trợ bắt giữ những đối tượng này. Ngoài ra, Iran cũng tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi vụ truy tố nhà lãnh đạo Mỹ kể cả sau khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ. Những động thái trên làm cho dư luận bất ngờ.

Lý giải hành động trên, Chính quyền Trump cho rằng viên tướng người Iran đang lên kế hoạch tấn công nhằm vào binh lính Mỹ trong khu vực.

Ngay sau cái chết của tướng Soleimani, Iran đã đáp trả bằng cách nã tên lửa vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq. Tehran còn bắn rơi một máy bay của hãng Ukraine International Airlines ngày 8-1 bằng tên lửa đất - đối - không, khiến 176 người thiệt mạng. Tehran sau đó thừa nhận đã vô tình phạm “sai lầm tàn khốc”.

Trong một động thái liên quan, Interpol đã xác nhận tổ chức này đã nhận được yêu cầu của Iran nhưng thẳng thừng từ chối hành động, với viện dẫn những quy định hiện hành không cho phép họ làm vậy. Bởi lẽ, một lệnh bắt giữ được Interpol thực hiện sẽ được gửi tới cảnh sát khắp thế giới, để định vị và bắt giữ đối tượng bị một nước hoặc một tòa án quốc tế truy nã, chờ dẫn độ, hoặc hành động pháp lý tương tự. Tổ chức này tuân thủ các quy định, theo đó họ bị cấm “có sự can thiệp hoặc hành động mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc”. Do vậy, lệnh truy nã của Iran nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo hãng tin Anh The Independent, chỉ là một đòn gió mang tính chính trị mà không có hiệu quả trên thực tế. Còn theo báo The Express, động thái của Tehran nhằm mục đích chính là đổi hướng chú ý khỏi tình hình khó khăn nội tại mà nước này đang đối mặt vào thời điểm hiện nay.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vốn dĩ âm ỉ từ lâu nay đã leo thang trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung (JCOPA) và tái áp đặt cấm vận lên Tehran năm 2018. Thù địch công khai giữa Mỹ và Iran được đẩy lên cao kể từ đầu năm 2020 khi Washington liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. “Giọt nước tràn ly” là vụ không kích máy bay Mỹ làm tướng Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng.

Về phía Iran, ngoài đáp trả bằng việc nã tên lửa vào căn cứ của Mỹ tại Iraq, Tehran cũng liên tục cắt giảm các cam kết trong JCOPA và liên tục làm giàu urani nhằm theo đuổi chương trình hạt nhân để đối phó Mỹ. Từ đó đã làm dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ một cuộc chiến tranh có thể bùng nổ giữa hai nước.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc Iran phát lệnh truy nã ông Trump chỉ mang tính hình thức ví như một “trò chơi chính trị” nhằm hạ uy tín của ông Trump. Động thái này chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước chứ hoàn toàn không khả thi.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>