Khoảng 10 năm tới nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C

14/05/2019 | 08:32 GMT+7

Vào năm 2030, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu vượt qua ngưỡng này, Trái Đất sẽ đối mặt với nhiều thảm họa môi trường.

Trái Đất đang nóng lên. Ảnh minh họa: INTERNET

Đó là khẳng định của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu trong báo cáo gây chấn động vừa được công bố. Ủy ban này gồm gần 100 nhà khoa học uy tín do Liên Hiệp Quốc thành lập nhằm cung cấp thông tin và định hướng hành động cho chính phủ các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng vượt ngưỡng 1,5oC, 70-90% rạn san hô trên Trái Đất sẽ chết. Bắc Băng Dương sẽ trải qua những mùa Hè không có băng. Các cơn bão như Harvey và Florence ở Mỹ, tình trạng hạn hán và thiếu nước ngọt như ở Cape Town, Nam Phi sẽ diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 54.000 tỉ USD, trong đó các nước Nam bán cầu sẽ bị tác động nặng nề nhất.

“Biến đổi khí hậu đang diễn ra và ai cũng có thể cảm nhận. Nó đang tác động đến con người và hệ sinh thái trên toàn thế giới. Chúng ta có thể hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC nhưng điều đó đòi hỏi phải thay đổi rất nhiều cách chúng ta sống và làm việc hàng ngày”, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas nhấn mạnh.

Một nghiên cứu mới do Joeri Rogelj tại Viện Nghiên cứu hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA) dẫn đầu đã sử dụng 6 mô hình máy tính đánh giá tổng hợp để lập mô hình các kịch bản hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC vào cuối thế kỷ 21 theo 5 con đường kinh tế xã hội chung (SSP). Các con đường này do IIASA và các tổ chức đối tác khác vạch ra, đề cập đến những hướng phát triển của thế giới và xã hội, bao gồm con đường thế giới chú trọng đến tính bền vững, con đường trong đó tăng trưởng kinh tế và tăng dân số vẫn tiếp diễn như trước đây và con đường thế giới theo đuổi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng ít chú trọng đến tính bền vững.

Trong các kịch bản thành công, vào năm 2030, phát thải khí nhà kính dự báo sẽ tăng đỉnh điểm và bắt đầu liên tục giảm nhanh trong 2-3 thập kỷ tiếp theo. Trong giai đoạn 2055-2075 sẽ không có tình trạng phát thải khí nhà kính. Nhu cầu năng lượng được hạn chế nhờ tăng cường các giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng. Trong SSP tăng trưởng kinh tế và tăng dân số vẫn tiếp diễn như trước đây thì nhu cầu năng lượng vào năm 2050 sẽ dao động từ 10-40%, cao hơn mức của năm 2010.

Để nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 1,5oC, tới năm 2050, lượng khí thải CO2 phải giảm về 0%. Năng lượng tái tạo phải chiếm 85% lượng điện toàn cầu. Tiêu thụ than đá phải giảm xuống mức gần 0%. Thế giới sẽ phải dành tới 7 triệu km2 đất để trồng hoa màu phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, việc chống biến đổi khí hậu chưa thật sự hiệu quả do còn nhiều nước thờ ơ. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng các mục tiêu được xác định trong Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp đang bị chệch hướng.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres nêu rõ một nghịch lý là các đảo quốc nhỏ đang nằm ở tiền tuyến sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Trong khi nỗ lực chính trị của cộng đồng quốc tế lại đang trở nên mờ nhạt.

Quá trình công nghiệp hóa mang lại cho con người một cuộc sống no đủ hơn nhưng kéo theo đó nó cũng tác động không ít lên chính hành tinh mà chúng ta đang sống. Hàng loạt các loại nhà máy phun khí thải, chất thải trực tiếp ra môi trường, khói bụi của hàng tỉ xe cộ dùng nguyên liệu hóa thạch như xăng dầu, những chất thải này phần lớn là khí CO2. Khí CO2 có nhiều trong bầu khí quyển khi ánh nắng mặt trời chiếu vào làm tăng nhiệt độ của bề mặt Trái Đất - đây được coi là nguyên nhân chính trong sự nóng lên toàn cầu.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>