Khủng hoảng chính trị tại Bolivia

12/11/2019 | 08:40 GMT+7

Căng thẳng trong các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống đã kéo dài suốt nhiều tuần qua tại Bolivia, khiến Tổng thống  Evo Morales và Phó Tổng thống nước này tuyên bố từ chức.

Đường phố La Paz trong một cuộc biểu tình hôm 10-11.

Lực lượng vũ trang và cảnh sát Bolivia đã gây sức ép và yêu cầu nhà lãnh đạo Morales từ chức để giữ hòa bình cho đất nước, giữa lúc làn sóng biểu tình bạo loạn của phe đối lập phản đối kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 20-10 ngày càng nghiêm trọng.

Động thái trên diễn ra bất chấp việc trước đó Tổng thống Morales đã chấp nhận tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình - ổn định cho đất nước và theo đề xuất sau kết quả thanh tra kết quả bầu cử của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS).

Tuy nhiên, sau đó hàng loạt các quan chức cấp cao nước này đã đệ đơn từ chức, trong đó bao gồm các Bộ trưởng Khai thác mỏ César Navarro, Bộ trưởng Khí đốt Luis Alberto Sánchez, Chủ tịch Hạ viện Victor Borda và Thứ trưởng Ngoại giao Carmen Almendras, do sức ép gia tăng từ các hoạt động biểu tình của phe đối lập.

Chủ tịch Thượng viện Bolivia Adriana Salvatierra cũng đã đệ đơn từ chức, vài tiếng sau quyết định của nhà lãnh đạo Morales. Theo Hiến pháp Bolivia, Chủ tịch Thượng viện là người quyền lực nhất tại nước này trong trường hợp cả Tổng thống và Phó Tổng thống đều từ chức.

Sau khi ông Evo Morales thông báo từ chức Tổng thống Bolivia trên truyền hình quốc gia, phe đối lập nhanh chóng loan tin cảnh sát và quân đội nước này đang lùng bắt nhà cựu lãnh đạo. Ông Luis Fernando Camacho, một lãnh đạo cấp cao của phe đối lập, xác nhận với truyền thông Bolivia, cảnh sát và quân đội đã phát lệnh bắt Tổng thống Evo Morales, đồng thời một chiến dịch tìm kiếm đang được tiến hành tại tỉnh Chapare, nơi được cho là ông Morales đang có mặt.

Trên trang mạng cá nhân, ông Morales lên án lệnh bắt giữ nói trên là hoàn toàn “bất hợp pháp”. Ông cho biết, tư dinh của mình đã bị những kẻ quá khích tấn công bạo lực. Trên mạng cũng xuất hiện nhiều clip cho thấy các toán người xông vào nơi ở của nhà cựu lãnh đạo và đập phá, cướp bóc. Ông Morales khẳng định, đây là hành động chống lại nền dân chủ và là một cuộc đảo chính.

Trước đó, có tin cảnh sát đã phong tỏa và tịch thu chiếc máy bay cá nhân của Tổng thống Morales tại sân bay El Alto ở thủ đô La Paz. Chiếc máy bay này dường như có kế hoạch bay tới Argentina. Đồng thời cảnh sát Bolivia cũng đã bắt giữ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia.

Trước những diễn biến bất ổn tại Bolivia, nhiều nước đã có những phản ứng. Cuba đã chỉ trích mạnh mẽ việc Tổng thống Bolivia Morales phải tuyên bố từ chức mà theo La Habana là một cuộc “đảo chính”. Chủ tịch Cuba Miguel Díaz - Canel lên án cuộc đảo chính tại Bolivia đe dọa nền dân chủ tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trong khi đó, Tổng thống cánh tả Venezuela Nicolas Maduro lên án hành động này, ông coi đây là một cuộc đảo chính nhằm vào Tổng thống dân cử Evo Morales của Bolivia. Cùng ngày, Chính phủ Nicaragua đã kịch liệt lên án cuộc đảo chính tại Bolivia.

Chính phủ Peru đã ra tuyên bố kêu gọi nhanh chóng khôi phục hòa bình và hòa hợp ở Bolivia, trong bối cảnh những diễn biến căng thẳng tại nước này dẫn tới việc Tổng thống Bolivia Morales tuyên bố từ chức. Chính phủ Peru hối thúc tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch với sự hỗ trợ của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và các tổ chức quốc tế. Peru cũng kêu gọi bảo đảm một tiến trình chuyển tiếp theo đúng Hiến pháp tại Bolivia.

Trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard tuyên bố nước này sẵn sàng chào đón cựu Tổng thống Morales đến tị nạn, theo Hãng Sputnik.

Theo kết quả chính thức do Tòa án Bầu cử tối cao (TSE) mới công bố, Tổng thống Morales giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 20-10 với 47,08% số phiếu ủng hộ, so với 36,51% của ứng cử viên đối lập Carlos Mesa. Với kết quả này, Tổng thống Morales đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp ngay tại vòng 1 với khoảng cách trên 10% theo luật định so với đối thủ.

Ông Morales khẳng định mình đã giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử công bằng và dân chủ, tuân thủ nghiêm Hiến pháp.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>