Kinh tế Thái Lan gánh hậu quả từ biểu tình

21/10/2020 | 11:37 GMT+7

Các cuộc biểu tình với quy mô lớn tại Thái Lan đã leo thang trong 3 tháng vừa qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở mức độ nghiêm trọng đang được thực thi.

Khoảng 10.000 người biểu tình đã tập trung tại khu vực tượng đài Chiến thắng ở thủ đô Bangkok.

Ngày 18-10, các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục nổ ra tại Thái Lan với sự tham gia của hàng chục ngàn người mà đa phần là giới trẻ tại nhiều địa điểm thuộc 20 tỉnh khác nhau. Điều này cho thấy biểu tình đã lan rộng khắp nước này chứ không chỉ diễn ra ở thủ đô Bangkok như trước đó. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp các cuộc biểu tình lớn xảy ra tại Thái Lan bất chấp chính phủ nước này đã ban hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, với việc cấm tập trung quá 4 người.

Những người biểu tình đã hô các khẩu hiệu chống chính phủ, yêu cầu thủ tướng từ chức và yêu cầu sửa đổi lại hiến pháp cũng như cải cách chế độ quân chủ. Các cuộc biểu tình chống chính phủ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại Thái Lan bất chấp đã có hơn 50 người bị bắt giữ và thậm chí cảnh sát còn sử dụng cả vòi rồng để trấn áp người biểu tình. Phía cảnh sát khẳng định, những người biểu tình sẽ tiếp tục bị bắt giữ nếu họ tham gia các cuộc biểu tình sắp tới bởi luật tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. Ngoài ra nếu họ đăng tải hoặc truyền đi các thông điệp bất hợp pháp trên mạng thì cũng sẽ đối mặt với án tù lên tới 5 năm.

Trong một động thái liên quan, nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Chính phủ Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng đã sa thải cảnh sát sử dụng vũ lực để giải tán đám đông hôm thứ 5 vừa qua. Phát ngôn viên Chính phủ Anucha Burpachaisri dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết, Thủ tướng công nhận quyền được biểu tình tuy nhiên các cuộc biểu tình phải diễn ra theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ông Anucha khẳng định, chính phủ sẵn sàng lắng nghe và tiếp tục giải quyết vấn đề trong mọi lĩnh vực.

Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở mức độ nghiêm trọng tại thủ đô Bangkok, áp dụng từ 4h sáng 15-10. Theo quy định của pháp luật Thái Lan, Thủ tướng phải trình Nội các thông qua sau không quá 3 ngày kể từ khi tuyên bố.

Tình trạng khẩn cấp cho phép nhà chức trách quyền bắt giữ các nghi phạm trong tối đa 30 ngày và cấm tụ tập trên 5 người. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Prayut cho biết: “Nội dung quan trọng của tình trạng khẩn cấp có nhiều điều, trong đó có việc cấm biểu tình, cho phép lực lượng chức năng được quyền khám xét, bắt giữ người tình nghi. Trước đây, chính quyền sử dụng luật biểu tình thông thường nhưng hiện đang thực hiện theo luật tình trạng khẩn cấp”.

Thủ tướng Thái Lan Prayut cũng khẳng định, chính phủ của ông sẽ không từ chức và có thể xem xét áp đặt lệnh giới nghiêm nếu các cuộc biểu tình leo thang hơn nữa, tuy nhiên, ông cho rằng chưa đến mức phải yêu cầu thiết quân luật.

Giới chức Thái Lan cho hay, các cuộc biểu tình đang khiến tình hình đất nước thêm bất ổn và gây nguy hại cho nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Cụ thể trong ngày 17-10, cơ quan quản lý đường tàu điện ngầm và trên cao tại Bangkok đã phải tạm dừng hoạt động của hệ thống giao thông công cộng này vì lo sợ người biểu tình sẽ gây mất an toàn.

Giới quan sát cho rằng, nền kinh tế của Thái Lan vốn đã không sáng sủa trong những năm gần đây, nay lại còn phải chịu liên tiếp hai cú sốc từ biểu tình và Covid-19 nên càng xuống dốc nghiêm trọng. Đặc biệt là quốc gia này phụ thuộc nhiều vào du lịch với khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội. Nếu tình trạng bất ổn kéo dài có thể khiến du khách không chọn Thái Lan là điểm đến. Một số nhà phân tích dự đoán năm nay nền kinh tế Thái Lan sẽ bị suy giảm nhiều hơn so với năm 1998, trong thời kỳ khủng hoảng tiền tệ, khi GDP giảm 7,6%. Ngân hàng Mizuho cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của quốc gia Đông Nam Á từ âm 6,3% xuống âm 7,5%.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>