Lebanon rơi vào vòng xoáy khủng hoảng

11/08/2020 | 08:52 GMT+7

Cuộc khủng hoảng về cháy nổ đã trở thành cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội tại quốc gia Trung Đông vốn nhiều bất ổn này.

Biểu tình dâng cao tại Beirut. Ảnh: AP

Trước khi xảy ra vụ nổ, Lebanon đang bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, chính trị bất ổn khi nội các nhiều người từ chức cùng với đó là nhiều cuộc biểu tình nổ ra. Chính vì thế vụ nổ kinh hoàng hôm 4-8 vừa qua khiến Lebanon rơi vào khủng hoảng kép.

Sau vụ nổ, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra hôm 8-8 ở Beirut, gây bạo loạn và đụng độ khiến ít nhất một nhân viên an ninh thiệt mạng và 490 người đã bị thương, trong đó có nhiều nhân viên an ninh. Người biểu tình cho rằng sự tắc trách của các cơ quan quản lý là nguyên nhân để xảy ra vụ nổ vừa qua, kêu gọi các quan chức đứng đầu như tổng thống, quốc hội và chính phủ phải từ chức và chịu trách nhiệm khi để đất nước bị sụp đổ hoàn toàn.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun từ chối tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ ở cảng Beirut, vì ông cho rằng bất kỳ cuộc điều tra quốc tế nào về vụ tai nạn này đều không có ý nghĩa và sự thật sẽ bị mất. Ông Aoun bày tỏ quyết tâm tiến hành các cuộc điều tra, bắt giữ những người có trách nhiệm với các hình phạt nghiêm khắc nhất đồng thời sẽ công bố minh bạch kết quả điều tra.

Ở Trung Đông, Lebanon trong nhiều năm qua nổi lên là trung tâm của những bất ổn chính trị với những mâu thuẫn nội bộ, xung đột đảng phái và sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài. Những bất ổn này cùng với những tác động của khu vực như người tị nạn Syria, đại dịch Covid-19 khiến cho Lebanon đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Vấn đề nội tại của Lebanon chính là các đảng chính trị ở Lebanon đa dạng và phong phú, có tới 17 giáo phái và các cá nhân trong mỗi một giáo phái lại muốn có ảnh hưởng riêng cùng với sự tác động của khu vực và quốc tế. Nước này đã từng xảy ra cuộc nội chiến từ năm 1975 đến năm 1990. Các đảng phái đã có một thỏa thuận về nguyên tắc “cùng tồn tại” và sự đại diện chính trị thích hợp của họ. Đây cũng chính là nguyên nhân dễ gây chia rẽ nội bộ và khủng hoảng.

Hoàn cảnh hiện tại không phù hợp để tổ chức bầu cử sớm dù rằng ông Thủ tướng Hassan Diab cho rằng đó là giải pháp duy nhất để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Giới phân tích khu vực cho rằng phát biểu của Thủ tướng Hassan Diab là bất ngờ và là một bước lùi. Việc tổ chức bầu cử quốc hội trên cơ sở luật hiện hành sẽ không thay đổi bất kỳ một điều gì hiện nay.

Thứ nhất, vụ nổ vừa qua là một thảm họa của Lebanon khi giá trị thiệt hại ước tính 15 tỉ USD, hơn 6 nghìn người thương vong, hơn 300 nghìn người không thể trở về nhà do bị hư hỏng.

Thứ hai, với sức ép từ cuộc khủng hoảng kép này thì Lebanon cũng khó có thể tổ chức được cuộc bầu cử sớm. Đó là chưa kể tới sự tác động từ bên ngoài, các quốc gia coi viện trợ nhân đạo quốc tế cho Lebanon là một điểm khởi đầu cho sự thay đổi chính trị.

Thứ ba, nếu có được tổ chức thì cũng khó thành công khi các đảng phái cạnh tranh, các thế lực chống phá và kể cả là những cáo buộc liên quan tới bầu cử…

Thứ tư, người ta cũng đặt câu hỏi liệu chính phủ mới có thể tiến tới xây dựng một nhà nước dân sự toàn diện không bè phái hay bè phái và thực hiện các sửa đổi cần thiết theo nguyện vọng của người dân Lebanon, nhằm đạt được yêu cầu của người biểu tình?

Tuy nhiên, việc thành lập một chính phủ mới là nhu cầu lớn của người Lebanon và sức ép từ nhiều nước với điều kiện tiên quyết cho mọi viện trợ quốc tế. Trước hết điều mà người dân Lebanon yêu cầu là cải tổ và phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm, ban hành luật bầu cử không phân phe phái cho phép cử tri lựa chọn tổng thống và quốc hội mới. Sẽ là một gánh rất nặng nề cho chính phủ mới. Một tương lai khá mờ mịt cho Lebanon với những cuộc khủng hoảng nội tại đầy bế tắc.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>