Lo ngại Covid-19 lặp lại lịch sử dịch cúm 1918

01/07/2020 | 09:05 GMT+7

Dịch Covid-19 đang gia tăng nhanh từng ngày không chỉ ở những quốc gia mới phát bệnh mà còn ở một số nước đã tuyên bố khống chế được dịch bệnh. Điều này dấy lên quan ngại liệu Covid-19 có lặp lại lịch sử dịch cúm 1918 ? 

Ngày 26-6, Mỹ ghi nhận số cas bệnh trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát với hơn 40.000 cas. Ảnh: CGTN

Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng nhanh số cas nhiễm bệnh. Điều này cho thấy, lệnh dỡ bỏ giãn cách xã hội, mở cửa để phục hồi kinh tế tỷ lệ thuận với số cas nhiễm bệnh Covid-19.

Điển hình như tại Mỹ, chỉ trong ngày 29-6 đã ghi nhận thêm 37.975 cas mắc Covid-19 mới và 315 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này, nâng tổng số cas mắc tại Mỹ lên gần 2,7 triệu với 128.752 cas tử vong. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, tổng số cas mắc Covid-19 có thể cao hơn 24 lần con số được báo cáo. Chính điều này đã có ít nhất 14 bang ở Mỹ đã dừng kế hoạch mở cửa sau khi nước này ghi nhận số cas mắc Covid-19 tăng cao.

Còn tại Brazil, quốc gia hiện là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới với hơn 1,3 triệu cas mắc Covid-19, và 58.314 cas tử vong, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh. Ấn Độ ghi nhận ổ dịch lớn thứ 4 thế giới cũng đã ghi nhận 567.536 cas với 16.904 cas tử vong. Hay ở Anh, ổ dịch lớn thứ 5 thế giới cao nhất châu Âu với 311.965 cas mắc bệnh và 43.575 cas tử vong, bệnh vẫn gia tăng từng ngày.

Theo thống kê của WHO, chưa đến 1 tuần qua đã có 1 triệu người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trong khi ở giai doạn đầu của đại dịch, sau hơn 3 tháng mới có 1 triệu người nhiễm. WHO cũng nhắc lại một cột mốc đáng chú ý khác là ngày 30-6 là vừa tròn 6 tháng WHO nhận được báo cáo đầu tiên từ Trung Quốc về căn bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán. Sau 6 tháng đại dịch chính thức xuất hiện, toàn thế giới đã có trên 10,4 triệu cas nhiễm và trên 507.000 người tử vong vì Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã phát đi cảnh báo giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới vẫn đang ở trước mắt. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng với việc nhiều quốc gia trên thế giới dỡ bỏ phong tỏa, cùng tâm lý buông lỏng của người dân, đại dịch Covid-19 đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để bùng phát mạnh hơn và tồi tệ hơn cả giai đoạn đầu đại dịch.

Dù chưa được công nhận nhưng làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 đã diễn ra ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Anh hay Đức... Điều này làm cho giới chuyên môn lo ngại liệu dịch Covid-19 có lặp lại kịch bản của dịch cúm năm 1918? Bởi lẽ, vào thời điểm đó, sau thời gian tạm lắng, làn sóng thứ 2 của đại dịch cúm bùng phát. Đáng quan ngại là làn sóng thứ 2 tái bùng phát vào mùa thu năm đó còn “chết chóc” hơn cả làn sóng thứ nhất chỉ trước đó vài tháng. Thậm chí một số nước còn chứng kiến làn sóng thứ 3 vào năm 1919. Dịch cúm 1918 đã khiến hơn 500 triệu người nhiễm bệnh và 50 triệu người tử vong trên toàn cầu.

Giáo sư Mathews cho rằng, làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 kiểu như cúm có thể xảy ra do sự biến đổi ở vi-rút gây bệnh hoặc sự thay đổi trong hành vi của con người. Cụ thể sau làn sóng thứ nhất, cơ chế miễn dịch đã hình thành ở một tỷ lệ dân số đủ nhiều để khiến vi-rút gây bệnh phát sinh “phản ứng tránh miễn dịch” hay biến đổi, và tiếp tục tác động đến con người.

Tại một hội thảo trực tuyến đầu tháng này, Gabriel Leung, Chủ nhiệm khoa Y học tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Gần như chắc chắn có thể nói rằng làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 sẽ tới, vì chúng ta sẽ không thể có vắc-xin ngừa bệnh trong ngày một ngày hai”.

Liên quan đến việc điều chế vắc-xin, WHO dự báo phải mất một năm nữa mới tạo ra được một loại vắc-xin hiệu quả ngừa vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Tổng Giám đốc WHO, cho biết thêm nếu việc điều chế vắc-xin thành công, thì nó cần phải trở thành một mặt hàng phổ biến mà tất cả mọi người có thể tiếp cận. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, rất khó có thể khẳng định sẽ có một loại vắc-xin như vậy bởi thế giới vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Tiếp sau đó là đến giai đoạn sản xuất đồng loạt với số lượng lớn và giá thành rẻ để cung cấp cùng lúc cho nhiều quốc gia… nên đòi hỏi khoảng thời gian khá dài.

Do vậy, thay vì trông chờ vắc-xin, các quốc gia cần tiếp tục thực hiện giải pháp giãn cách xã hội nhằm chủ động ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Đây có lẽ là giải pháp khả thi hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>