Luật “đức hạnh” thêm hà khắc đối với phụ nữ Afghanistan

10/09/2024 | 19:42 GMT+7

Mặc dù bị cộng đồng quốc tế lên án nhưng luật “đức hạnh”, với nhiều nội dung hà khắc đối với phụ nữ Afghanistan của Taliban vẫn ra đời khiến LHQ cật lực phản đối.

Ảnh minh họa: Reuters

Nhiều nước là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cật lực lên án  bộ luật mới có tên là Luật về tuyên truyền đạo đức và ngăn chặn tệ nạn, vừa được chính quyền Taliban ban hành ở Afghanistan cuối tháng 8 vừa qua. Bởi luật mới còn có tên gọi là luật “đức hạnh” này có những quy định được xem là hà khắc đối với các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Theo đó, luật “đức hạnh” quy định phụ nữ trưởng thành bất cứ lúc nào ra khỏi nhà vì lý do bắt buộc đều phải che giấu khuôn mặt và cơ thể bằng quần áo dày từ đầu đến chân tại nơi công cộng. Họ cũng không được phép nhìn thẳng vào mặt đàn ông không phải chồng hay họ hàng. Tài xế taxi sẽ bị phạt nếu chở phụ nữ không có đàn ông là chồng hoặc người nhà theo cùng.

Những người vi phạm có thể bị cảnh cáo, tịch thu tài sản hoặc thậm chí là giam giữ lên đến 3 ngày. Cảnh sát đạo đức, lực lượng thực thi luật mới có quyền bắt giam, trừng phạt phụ nữ, trẻ em gái vi phạm theo cách mà họ cho là phù hợp.

Tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an LHQ nhận được sự ủng hộ của 12/15 quốc gia thành viên bao gồm Ecuador, Pháp, Guyana, Malta, Mozambique, Hàn Quốc, Sierra Leone, Slovenia, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ. Nga, Trung Quốc và Algeria không tham gia tuyên bố. Theo đó, các nước ủng hộ tuyên bố đã kịch liệt lên án sự phân biệt đối xử và áp bức giới tính có hệ thống liên tục của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

Tuyên bố kêu gọi Taliban nhanh chóng đảo ngược mọi chính sách và hoạt động hạn chế quyền con người và quyền tự do cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái. Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi chính quyền Taliban cần lắng nghe và phản hồi tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bằng cách tôn trọng quyền được giáo dục và quyền được làm việc của phụ nữ cũng như quyền tự do ngôn luận và tự do đi lại của họ. Các nước cũng kêu gọi các quốc gia có tầm ảnh hưởng thúc đẩy việc đảo ngược khẩn cấp các chính sách của Taliban ở Afghanistan.

Đại diện thường trực tại LHQ, Nhật Bản Yamazaki Kazuyuki nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia và tổ chức sử dụng ảnh hưởng của mình, phù hợp với Hiến chương LHQ, để thúc đẩy việc đảo ngược khẩn cấp các chính sách và hoạt động này. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng những hành động như thế này của Taliban chỉ làm suy yếu những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hợp tác với họ”.

Trong một động thái liên quan, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ phẫn nộ trước sắc lệnh mới được Taliban ban hành. Theo quan điểm của dư luận, với sắc lệnh mới này Taliban đã tự đẩy mình vào tình thế khó khăn hơn trong việc được cộng đồng quốc tế công nhận. Trong các tuyên bố gần đây, các quan chức LHQ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, nếu Taliban muốn được công nhận thì họ phải chứng minh được rằng mình đã thay đổi và phải tôn trọng quyền con người và các giá trị phổ quát.

Trong ba năm qua, kể từ khi giành chính quyền ở Afghanistan, lực lượng Taliban đã ban hành nhiều chính sách bị các nhóm nhân quyền phản đối vì phân biệt giới tính, khi gạt phụ nữ và trẻ em khỏi đa số khía cạnh đời sống công cộng, từ chối cho phép họ tiếp cận hệ thống tư pháp. Phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan cũng bị cấm học lên cấp hai, bị cấm tham gia hầu hết các công việc được trả lương, bị cấm đi bộ trong công viên công cộng, tới phòng tập thể dục hay thẩm mỹ viện và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định trang phục.

Đáp trả những phản ứng trên, giới chức Taliban khẳng định, những quy định dựa trên luật Hồi giáo này sẽ góp phần nâng cao đạo đức và loại bỏ các tệ nạn xã hội. Lực lượng Taliban cũng đã lên tiếng thúc giục Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) không “so sánh đất nước này với các lý thuyết phương Tây và các xã hội phi Hồi giáo”. Đồng thời,Taliban cho biết, họ sẽ không bao giờ hợp tác với UNAMA nữa do những gì họ mô tả là “việc tuyên truyền sai lệch” của tổ chức này.

 Chính sách hà khắc của Taliban với phụ nữ và trẻ em gái lâu nay đã là vật cả khiến cộng đồng quốc tế chưa muốn công nhận chính quyền này. Việc ra đời luật “đức hạnh” này càng khiến các quốc gia xa lánh hơn lực lượng Hồi giáo này. Điều này sẽ làm cho Afghanistan đã khó nay càng khó hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>