Mỹ đã thoát điệp khúc đóng cửa chính phủ

25/09/2020 | 06:12 GMT+7

Điệp khúc đóng cửa chính phủ lại là đề tài xôn xao dư luận Mỹ mấy ngày nay. Tuy nhiên, viễn cảnh xấu này đã “vượt ải” lưỡng viện Mỹ. 

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC.  Nguồn: AFP

Theo Quốc hội Mỹ, chỉ còn chưa đến một tuần lễ nữa là Chính phủ liên bang hết kinh phí hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào ngày 1-10 nếu không được lưỡng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua và được Tổng thống Donald Trump phê duyệt.

Tuy nhiên, khác hơn những lần trước điệp khúc đóng cửa chính phủ đã không diễn ra. Với 359 phiếu ủng hộ và 57 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí chuyển dự luật chi ngân sách bổ sung lên Thượng viện phê chuẩn trước khi năm tài chính kết thúc vào ngày 30-9 tới. Theo đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua ngân sách bổ sung tạm thời nhằm giúp chính phủ tiếp tục hoạt động tới ngày 11-12 tới, tức là sau khi cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 3-11 hoàn tất.

Trong một động thái tích cực liên quan, với tỷ lệ ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng sự ủng hộ từ Nhà Trắng, Thượng viện Mỹ đã thông qua 2 dự luật chi tiêu khổng lồ 1.400 tỉ USD tài khóa 2020 dành cho các chương trình chính phủ. Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ ký ban hành cả hai dự luật này trước hạn chót vào nửa đêm 20-12.

Gói ngân sách vừa được Quốc hội Mỹ thông qua cao hơn mức chi 1.360 tỉ USD trong tài khóa năm trước là 40 tỉ USD. Tuy nhiên, kết thúc năm 2019 vào ngày 30-9, chi ngân sách của Chính phủ Mỹ đã vượt tổng thu 984 tỉ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán thâm hụt ngân sách trung bình hàng năm của nước này sẽ ở mức 1.200 tỉ USD trong 10 năm tới. Nợ quốc gia của Mỹ đang gia tăng nhanh chóng và hiện ở mức 23.100 tỉ USD, mức mà nhiều chuyên gia lo ngại có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Đáng chú ý, trong gói dự luật trên, Lầu Năm Góc sẽ nhận được 738 tỉ USD để chi tiêu cho các hoạt động quân sự, tăng 22 tỉ USD so với năm trước. Phần còn lại của ngân sách được bổ sung cho các cơ quan của chính phủ. Đơn cử như Bộ Nông nghiệp sẽ được nhận 30 tỉ USD để hỗ trợ các bang nông nghiệp, 8 tỉ USD chi cho chương trình bữa trưa học đường hỗ trợ học sinh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành - cao hơn mức đề xuất 2 tỉ USD ban đầu của các nghị sĩ đảng Dân chủ.

Còn nhớ hồi năm 2019, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa nhiều cơ quan liên bang trong khoảng thời gian dài kỷ lục 35 ngày khi Quốc hội nước này không chấp thuận khoản tiền mà Tổng thống Trump yêu cầu để xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Lần này, số tiền chi cho an ninh biên giới sẽ ở mức 1,37 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với con số mà ông Trump yêu cầu. Như vậy, kể từ năm 1976 tới nay, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 17 lần. Trong đó, lần lâu nhất là 35 ngày (từ 22 tháng 12 năm 2018 đến 25 tháng 1 năm 2019) và một số lần khác chỉ đóng cửa 1 ngày.

Giới quan sát cho rằng, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa tạm thời sẽ làm gián đoạn các chương trình và dịch vụ công, gây mất doanh thu, giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế và tăng chi phí cho chính phủ do mất lao động và cuối cùng là khởi động lại các hoạt động liên bang. Điều này đồng nghĩa với hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ sẽ giảm đáng kể tùy thuộc vào thời gian đóng cửa dài hay ngắn.

Trong nền chính trị Mỹ khi không đạt được một thỏa thuận về ngân sách hoạt động của chính phủ giữa Quốc hội và Tổng thống, sẽ dẫn tới thiếu ngân sách và đóng cửa một số cơ quan chính phủ. Khi những dịch vụ công ích bị tạm thời ngừng cung cấp, những công chức, viên chức và người lao động khác ở các bộ phận này có thể bị tạm ngừng trả lương. Danh sách những dịch vụ công ích trong diện có thể bị tạm ngừng cung cấp do Văn phòng Quản lý và Ngân sách quy định. Trong quá khứ, các hoạt động sau đây từng bị ngừng: thư viện công cộng và công viên công cộng thuộc phạm vi quản lý của chính quyền liên bang, dịch vụ cấp hộ chiếu.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>