Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng căng thẳng

11/10/2019 | 08:37 GMT+7

Việc Mỹ liệt thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen đã làm Bắc Kinh bất bình. Động thái này đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa hai nước vốn dĩ đối địch thời gian gần đây.

Ông Trump và ông Tập Cận Bình. Ảnh: WCCFTECH     

Bộ Thương mại Mỹ ngày 8-10 đã tuyên bố đưa 28 cơ quan công an và công ty của Trung Quốc vào danh sách đen liên quan tới thương mại của Mỹ. Các cơ quan và công ty của Trung Quốc bị đưa vào “Danh sách Thực thể” bao gồm Cục Công an của Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và 19 cơ quan chính phủ trực thuộc. Trong số 8 công ty Trung Quốc bị trừng phạt có 2 công ty sản xuất camera giám sát, bao gồm Hikvision (Hangzhou Hikvision Digital Technology Co) và Đại Hoa (Zhejiang Dahua Technology Co). Hai công ty này hiện chiếm khoảng 1/3 thị phần toàn cầu về sản phẩm camera giám sát và có sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp thế giới.

Các công ty và thực thể bị liệt vào danh sách đen sẽ không được phép mua các phụ tùng và linh kiện từ các công ty của Mỹ nếu không có sự cho phép của Washington. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới sẽ diễn ra vào cuối tuần này và đặc biệt là sau khi Bắc Kinh bất ngờ có động thái “đổi giọng” về các điều kiện đàm phán với Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, quyết định này được đưa ra vì “cách đối xử của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi tại Trung Quốc”. Dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng vụ việc ở Tân Cương phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Đây là lần thứ 4 Bộ Thương mại Mỹ đưa các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen kể từ sau khi Huawei chịu sự trừng phạt tương tự hồi tháng 5-2019. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ lấy nhân quyền làm căn cứ cho hành động trừng phạt của mình. Trong khi các động thái chính sách trước đây nhắm đến các doanh nghiệp như Huawei được đưa ra dựa trên quan điểm bảo vệ an ninh quốc gia.

Phản ứng trước vụ việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, đây là một quyết định sai lầm của Mỹ và Washington không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ông Cảnh Sảng cho rằng: “Các vấn đề của Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không quốc gia nào có quyền can thiệp. Không có vấn đề nào gọi là vấn đề nhân quyền ở Tân Cương như cáo buộc của Mỹ. Các biện pháp mà Tân Cương đưa ra là để chống khủng bố và loại bỏ chủ nghĩa cực đoan. Các biện pháp này hoàn toàn phù hợp với luật pháp Trung Quốc và thông lệ quốc tế, và được ủng hộ rộng rãi bởi 25 triệu người thuộc tất cả các nhóm dân tộc tại Tân Cương. Những biện pháp này cũng đang đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống khủng bố của quốc tế”.

Người phát ngôn Cảnh Sảng cũng kêu gọi Mỹ rút lại quyết định “sai lầm”, đồng thời khẳng định nước này sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích về phát triển.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra trong suốt hai năm qua bằng việc áp đặt thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của đối phương. Đặc biệt kể từ tháng 7-2018 đến nay, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ USD của nhau. Washington luôn hối thúc Bắc Kinh từ bỏ các hành vi thương mại mà Mỹ cho là không công bằng, cũng như thay đổi những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường…

Mặc dù hiện nay cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang có những tín hiệu đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng, tuy nhiên những bất đồng giữa họ còn quá lớn nên việc chấm dứt cuộc chiến thương mại đòi hỏi thời gian dài. Đây thật sự là bài toán khó cho cả Washington và Bắc Kinh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích