Nagorno-Karabakh có thật sự hòa bình ?

20/01/2021 | 06:04 GMT+7

Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa Azerbaijan và Armenia do Nga làm trung gian hòa giải, nhưng liệu Nagorno-Karabakh có thật sự hòa bình ?

Tổng thống Azerbaijan Aliyev thực hiện động tác tượng trưng về khởi công xây dựng sân bay quốc tế Fuzuli trước sự quan sát của vợ con ông. Ảnh: ANADOLU

Mới đây, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã cho phép và làm nghi lễ động thổ xây sân bay Fuzuli và xa lộ Fuzuli-Shusha cho vùng Karabakh. Đây là vùng đất mà Azerbaijan vừa tái chiếm từ tay người Armenia trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh 2020. Cả Fuzuli và Shusha trước đây đều nằm dưới sự kiểm soát của Armenia/ “Cộng hòa Artsakh” tự xưng (không được quốc tế công nhận) trong khoảng 3 thập kỷ.

Theo đó, sân bay Fuzuli dự kiến sẽ có một đường băng dài 2,8km và được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổng thống Azerbaijan Aliyev cho biết, đường băng của cảng hàng không quốc tế này sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong năm 2021 và mục đích của phi cảng này là hỗ trợ du khách nước ngoài tới thăm thành phố chiến lược Shusha nằm gần sân bay.

Gần 3 thập kỷ qua, xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan nhằm tranh giành lãnh thổ tại Nagorno-Karabakh liên tục diễn ra. Những năm đầu, lợi thế của cuộc chiến này nghiêng về phía Armenia nhưng càng về sau cán cân lực lượng đã đổi chiều với lợi thế thuộc về Azerbaijan. Gần đây, xung đột Nagorno-Karabakh lần 2 nổ ra vào ngày 27-9-2020 và kéo dài trong 44 ngày phần thắng đã thuộc về Azerbaijan.

Tuy nhiên, cho dù ai là người chiến thắng cuộc chiến cũng gây ra nhiều thương vong và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng. Cuối cùng, hậu quả nặng nề lại đổ lên đầu người dân vô tội.

Trước thực trạng trên, gần đây Tổng thống Nga V.Putin đã trực tiếp làm trung gian hòa giải để Azerbaijan và Armenia ký thỏa thuận ngừng bắn tiến đến hòa bình cho vùng đất này. Thỏa thuận đình chiến 3 bên, được ký kết vào tháng 11-2020, công nhận quyền kiểm soát của Azerbaijan đối với những khu vực mà họ tái chiếm được bằng vũ lực và yêu cầu phía Armenia trao trả nốt cho phía Azerbaijan những vùng họ còn kiểm soát cận kề vùng lõi Nagorno-Karabakh.

Mới đây, ông Putin lại có cuộc hội đàm với các bên liên quan để giải quyết các vấn đề hậu xung đột ở Nagorno-Karabakh. Theo kết quả đàm phán, 3 nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung với các giải pháp về khôi phục phát triển kinh tế, thương mại, hạ tầng giao thông, mở ra triển vọng về hòa bình lâu dài cho khu vực này.

Tại cuộc gặp, cả ba nhà lãnh đạo đều nhất trí: giải pháp lâu dài không chỉ có thể mang lại hòa bình cho vùng đất này mà còn đưa các nước xích lại gần nhau hơn với một quá khứ lịch sử chung. Các nhà lãnh đạo cũng nhận thấy rằng, một cuộc gặp chưa thể giải quyết mọi vấn đề, do đó sẽ có các cuộc gặp tiếp theo.

Phát biểu sau khi kết thúc hội đàm, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng cuộc gặp là vô cùng quan trọng và hữu ích, vì các bên đã có thể đi đến thỏa thuận và ký một tuyên bố chung về sự phát triển của tình hình trong khu vực, có nghĩa là các bước cụ thể để xây dựng quan hệ kinh tế và phát triển các dự án cơ sở hạ tầng.

Theo kế hoạch, nhóm công tác của các phó thủ tướng của ba nước sẽ triệu tập một cuộc họp vào cuối tháng 1, để xây dựng một kế hoạch về các hành động thiết thực chung sẽ được công bố.

Về phần mình, Tổng thống Azerbaijzan Ilham Aliev cũng đã bày tỏ cảm ơn đối với Tổng thống Nga V.Putin, vì sự tham gia của cá nhân ông trong việc ngăn chặn các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh. Nhà lãnh đạo Azerbaijzan tin rằng, Tổng thống V.Putin với tư cách là nhà lãnh đạo của Nga, nước láng giềng của cả Armenia và Azerbaijan, sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình cho vùng đất tranh chấp này.

Tuy nhiên, giới quan sát lại lo ngại liệu Armenia có chấp nhận trao quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh vô điều kiện khi vùng đất này thuộc chủ quyền của họ hơn 3 thập kỷ qua?

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>