Nguy cơ dịch chồng dịch ở Tây Phi

18/02/2021 | 07:06 GMT+7

Những ngày gần đây, dịch bệnh Ebola lại tái phát ở Tây Phi sau 5 năm vắng bóng làm cho nhiều quốc gia quan ngại.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt bệnh nhân nghi nhiễm vi-rút Ebola tại Kenema, Guinea, ngày 16-8-2014. Ảnh: AFP

Theo đó, hiện Tây Phi có 7 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 3 trường hợp tử vong, đã được ghi nhận vào ngày 14-2 tại Đông Nam Guinea, nơi bắt đầu bùng phát đợt dịch tồi tệ nhất trong lịch sử do vi-rút Ebola gây ra trong giai đoạn 2013-2016. Kết quả xét nghiệm tại một phòng thí nghiệm của chính phủ đã chính thức xác nhận dịch Ebola xuất hiện trở lại sau 5 năm vắng bóng. Giám đốc Cơ quan An toàn y tế quốc gia của Guinea, ông Sakoba Keita tuyên bố đất nước đang trong “tình trạng dịch bệnh Ebola”.

Đáng quan ngại là trong các cas tử vong mới có một y tá, người đã được chôn cất ngày 1-2 vừa qua. Trong số những người tham gia lễ tang của y tá này, 8 người đã có các triệu chứng bệnh như tiêu chảy, nôn và xuất huyết. 3 người trong số này đã tử vong và 4 người phải nhập viện. Các cas tử vong đều ở vùng Nzerekore, Tây Nam Guinea.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Guinea Remy Lamah thông báo, đây là những cas bệnh đầu tiên kể từ đợt dịch năm 2013-2016. Ông Rémy Lamah chia sẻ: “Tôi lo lắng hơn bất cứ một người nào khác, nhưng tôi vẫn bình tĩnh vì chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh ngay trong đợt dịch đầu tiên và việc tiêm chủng đang được triển khai rất khả thi”.

Về phần mình, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Conakry, giáo sư Alfred George Ki-Zerbo cho biết, tổ chức này sẽ triển khai các nguồn lực một cách nhanh chóng và đảm bảo các liều vắc-xin cần thiết sẽ được “cung cấp càng nhanh càng tốt”.

WHO luôn theo dõi sát sao các đợt bùng phát mới của dịch Ebola ở khu vực Tây Phi, và coi đợt dịch gần đây nhất tại Cộng hòa Dân chủ Congo là tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế. Mới đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan này đã được thông tin về 2 cas tử vong nghi là do Ebola tại Guinea.

Theo Liên minh vắc-xin GAVI, đợt bùng phát dịch năm 2013-2016 đã thúc đẩy việc phát triển một vắc-xin ngừa Ebola. Hiện kho dự trữ khẩn cấp toàn cầu đang có 500.000 liều vắc-xin để ứng phó nhanh chóng trong trường hợp xảy ra bùng phát dịch.

Trước diễn biến bất thường trên, nhiều quốc gia liên quan tại Tây Phi đã tăng cường cảnh giác, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tại Liberia, quốc gia láng giềng với Guinea, nơi hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Ebola nào, Tổng thống George Weah ngay lập tức ra lệnh tăng cường cảnh giác và nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người sống dọc biên giới.

Hiện tại, thế giới đang phải gồng mình chống chịu dịch Covid-19, với trên 110 triệu người mắc, trong đó hơn 2,42 triệu trường hợp đã tử vong. Trong khi cả thế giới chưa biết bao giờ mới kết thúc đại dịch Covid-19, thì dịch bệnh Ebola dường như đã quay trở lại Tây Phi làm gia tăng quan ngại dịch chồng dịch. Trong khi đó, xét trên tổng thể, châu Phi là châu lục nghèo nhất thế giới với nhiều hạn chế về nhân lực và trang thiết bị y tế nên rất dễ bị tổn thương nghiêm trọng nếu dịch chồng dịch.

Tuy nhiên, chính quyền Conakry và WHO cho rằng khu vực này đã được trang bị tốt hơn so với 5 năm trước, đặc biệt là nhờ vào tiến bộ trong công tác tiêm chủng, để đối phó với dịch bệnh do vi-rút Ebola.

Sự thật về tuyên bố trên vẫn chưa được xác minh đúng sai hay chỉ là lời động viên trong lúc khó khăn. Cảnh giác, chủ động ngăn ngừa vẫn là giải pháp cần thiết đối với những quốc gia lân cận hiện nay.

Dịch bệnh Ebola xuất hiện lần đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976 và nó vẫn thường xuyên tái xuất hiện ở quốc gia này. Theo số liệu thống kê, đợt dịch bệnh tồi tệ xuất hiện từ 2013-2016 đã giết chết hơn 11.300 người, chủ yếu ở 3 quốc gia gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia. Trong đó, Guinea đã ghi nhận hơn 2.500 người chết trong đợt dịch bệnh này.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>