Nguy cơ IS trỗi dậy

19/02/2020 | 08:31 GMT+7

Liên tục xung đột đẫm máu đã làm cho Trung Đông rơi vào cảnh rối ren. Đây là điều kiện tốt nhất để IS trỗi dậy.

Một tay súng IS đang vẫy 1 lá cờ trong khi đứng trên một chiến đâu cơ chiếm được từ lực lượng chính phủ ở Raqqa, Syria năm 2015. Ảnh: GETTY

Trên danh nghĩa tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị tiêu diệt ở Trung Đông nhưng thực chất tàn quân của lực lượng khủng bố này vẫn tồn tại. Vấn đề khiến nhiều quốc gia liên quan lo lắng chính là “tảng băng chìm” của IS khó có thể đoán định. Điều này đồng nghĩa với việc IS vẫn tồn tại nhưng quy mô, số lượng và phương thức hoạt động ra sao vẫn còn là ẩn số. Do vậy mức độ nguy hiểm của tổ chức khủng bố này lại càng cao hơn.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố rằng IS đã bị đánh bại. Tuy nhiên, thực tế hiện lực lượng khủng bố IS này còn nhiều hơn thời điểm tổ chức khủng bố này thành lập năm 2014. Mặt khác, theo báo cáo của Lầu Năm Góc, IS còn xấp xỉ 14.000-18.000 quân trong khu vực Trung Đông, với việc sở hữu hàng triệu USD.

Còn ông Masrour Barzani, người đứng đầu khu vực của người Kurd tại Iraq trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ Atlantic đã khẳng định: “Đúng là IS đã mất phần lớn lãnh đạo. Tổ chức khủng bố này cũng tổn thất nhiều, nhưng IS vẫn có thể xoay xở để trau dồi kinh nghiệm và tuyển thêm nhiều tay súng khác. Vì thế, ta không nên xem nhẹ chúng.

Theo ông Barzani, IS vẫn còn khoảng 20.000 tay súng trên khắp IraqSyria. Số lượng các tay súng này nhiều hơn hẳn con số 10.000 tay súng của IS vào thời điểm tổ chức khủng bố này mới nổi lên vào năm 2014 khi chúng kiểm soát phần lớn lãnh thổ IraqSyria.

Phân tích trên hoàn toàn có cơ sở khi đối chiếu với nhận định của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hồi tháng 10-2019, Mỹ đã khẳng định thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt tại Syria, nhưng một báo cáo gần đây từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy sự việc này hầu như không làm gián đoạn cơ cấu chỉ huy hay các chiến dịch của IS.

Ngoài ra, báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy IS vẫn còn 100 triệu USD trong ngân sách của chúng.

Gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang bằng những động thái “ăn miếng trả miếng” đã làm cho tình hình Trung Đông càng thêm rối ren đã khiến cuộc chiến chống IS bị xao nhãng. Đầu tháng 1-2019, Tổng thống Trump đã ra lệnh không kích giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani, động thái đẩy WashingtonTehran bên bờ vực chiến tranh.

Cuộc không kích giết chết tướng Iran của Mỹ đã khiến Tehran đáp trả bằng cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của Washington ở Iraq, làm hơn 100 quân nhân Mỹ được chẩn đoán bị chấn thương não. Mỹ cũng tạm dừng chiến dịch chống IS trong khu vực một thời gian sau cuộc không kích Tướng Soleimani.

Ông Barzani nhận định với trang Atlantic: “Cuộc đối đầu này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và IS, những điều vốn nên là ưu tiên của tất cả chúng ta”.

Mặt khác, các cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria trong bối cảnh Chính phủ Syria tiến hành chiến dịch tấn công vào thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại tỉnh Idlib, có nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện giữa hai nước láng giềng và đe dọa phá vỡ liên minh Nga - Thổ. Điều này đồng nghĩa với việc lơ là trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Đây là điều kiện thuận lợi để IS hồi sinh và trỗi dậy.

Các nhà phân tích cho rằng IS thực sự vẫn là một mối đe dọa nhưng cũng thận trọng đánh giá, tổ chức khủng bố này chủ yếu chỉ hoạt động trong khu vực. Nói cách khác, IS không thể tấn công tới nước Mỹ trong tương lai gần. Tuy nhiên, về lâu dài nếu IS hồi sinh và lớn mạnh thì không loại trừ Mỹ mà nhiều quốc gia liên quan sẽ là tầm ngắm để IS hướng đến.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>