Nhiều nước phản đối bạo loạn ở Brazil

11/01/2023 | 05:29 GMT+7

Được cộng đồng quốc tế ủng hộ, bạo loạn với quy mô lớn ở Brazil đã cơ bản được kiểm soát.

Lực lượng an ninh ngăn cản người bạo loạn ngày 8-1 ở thủ đô Brasilia, Brazil. Nguồn: AP

Trước đó, người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro xông vào Quốc hội Brazil, dinh Tổng thống và Tòa án Tối cao của đất nước, gây ra cảnh náo loạn. Theo Chủ tịch Thượng viện lâm thời Veneziano Vital do Rogo, hàng nghìn người biểu tình tuần hành trên con đường hướng đến tòa nhà quốc hội ở thủ đô Brasilia, sau đó xông vào Phòng Xanh nằm bên ngoài Hạ viện. Những người biểu tình dựng rào chắn bằng đồ nội thất để ngăn cảnh sát tiến vào. Lực lượng biểu tình còn tìm cách đốt cháy thảm, khiến hệ thống cứu hỏa kích hoạt làm sàn tòa nhà quốc hội bị ngập nước.

Cùng thời gian này, người biểu tình phá hủy các tác phẩm nghệ thuật hay lấy những món quà mà các phái đoàn quốc tế tặng cho Brazil bên trong tòa nhà quốc hội. Trong Tòa án Tối cao, người biểu tình đập phá camera an ninh và cửa sổ tòa nhà.

Lực lượng biểu tình, nổi loạn đã đụng độ với cảnh sát và không ít trong số họ đã bị bắt. Theo đó, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ khoảng 1.500 đối tượng có liên quan tới vụ bạo loạn. Hiện cảnh sát đang tiến hành lấy lời khai các đối tượng bị tạm giữ và sẽ tiếp tục mở rộng điều tra về vụ việc nghiêm trọng này.

Nguyên nhân chính dẫn đến bạo loạn trên là do cựu Tổng thống Brazil Bolsonaro, đã đưa ra thông tin thất thiệt về cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Ông Bolsonaro cho rằng, hệ thống bỏ phiếu điện tử của Brazil đã bị gian lận, làm dấy lên một phong trào bạo lực từ những thành phần phủ nhận bầu cử. Bolsonaro hiện chưa đưa ra bình luận về cuộc bạo loạn của những người ủng hộ ông ở thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế cựu Tổng thống Brazil đã bay tới Florida, Mỹ, 48 tiếng trước khi kết thúc nhiệm kỳ và vắng mặt trong lễ nhậm chức của người kế nhiệm Lula.

Về phần mình, đương kim Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người đã đánh bại ông Bolsonaro trong một cuộc bầu cử căng thẳng hồi năm ngoái, đã ban bố lệnh tăng cường an ninh tại Brasilia kéo dài đến ngày 31-1 sau khi lực lượng an ninh tại thủ đô của Brazil ban đầu bị nhóm người áp đảo.

Tổng thống Lula tuyên bố: “Tất cả những người đã làm điều này sẽ bị lôi ra ánh sáng và bị trừng phạt”. Ông Lula cũng cáo buộc ông Bolsonaro là “Kẻ diệt chủng” đã và đang khuyến khích bạo loạn thông qua mạng xã hội từ Miami”.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, đồng thời lên án những hành động bạo loạn và ngăn cản các hoạt động của chính quyền mới vừa nhậm chức.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro rằng: “Chủ nghĩa phát xít có ý định đảo chính”, đồng thời cho rằng phe cánh hữu cực đoan tại Brazil không thể giữ được hiệp ước không sử dụng bạo lực. Nhà lãnh đạo Colombia cũng kêu gọi áp dụng Hiến chương Dân chủ của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng lên án hành động tấn công các thể chế dân chủ tại Brazil, đồng thời nhấn mạnh ông Lula da Silva đã được bầu một cách dân chủ thông qua một cuộc bỏ phiếu công bằng và tự do.

Cả Mỹ và Nga cũng ủng hộ Tổng thống Brazil đương nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva, đồng thời lên án các cuộc bạo loạn mà những đối tượng ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro gây ra.

Trong một thông tin liên quan, Bộ trưởng Tư pháp Brazil Flavio Dino cho biết, mặc dù những dấu vết của cuộc bạo loạn vẫn còn hiện hữu tại tòa nhà của các cơ quan công quyền, song Tổng thống Lula da Silva đã quay trở lại làm việc bình thường tại Phủ Tổng thống. Bộ trưởng Dino cũng khẳng định, cơ quan chức năng đã vô hiệu hóa ý định của các nhóm cực đoan kích động tổ chức những cuộc biểu tình bạo loạn tương tự tại một số bang khác trên cả nước. Điều này đồng nghĩa với tình hình bạo loạn ở Brazil đã cơ bản được kiểm soát và tình hình an ninh chính trị tại quốc gia này đã đi dần vào ổn định.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>