Những thách thức khi bà Meloni trở thành Thủ tướng Italia

28/09/2022 | 09:19 GMT+7

Việc bà Giorgia Meloni vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị viện Italia hoàn toàn nằm trong dự đoán. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi bà Meloni ngồi vào ghế thủ tướng.

Cử tri Italia diễu hành ủng hộ bà Giorgia Meloni. Ảnh: REPPUBLICA

Liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italia (FdI) của bà Giorgia Meloni vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị viện đã mở đường cho bà Meloni lên ghế thủ tướng. Kết quả chính thức từ Bộ Nội vụ Italia cho thấy, FdI do bà Meloni đứng đầu đã giành được từ 227-257 trên tổng số 400 ghế tại Hạ viện và 111-131 trên 200 ghế ở Thượng viện, chiếm khoảng 44% số phiếu ủng hộ và chiếm đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện. Điều này đồng nghĩa bà Meloni đã giành chiến thắng và sẽ trở thành Thủ tướng Italia.

Cuộc bầu cử tại Italia được tổ chức sớm hơn 2 tháng sau khi cựu Thủ tướng Mario Draghi từ chức vì chính phủ của ông tan rã do bất đồng. Đây là lần đầu tiên người dân Italia trong độ tuổi từ 18-25 được bầu các đại diện của mình ở Thượng viện, ngoài việc được đi bầu ở Hạ viện. Sự cạnh tranh giữa các chính đảng trong cuộc bầu cử lần này cũng căng thẳng hơn khi số nghị sĩ được bầu tại Hạ viện và Thượng viện giảm xuống lần lượt 400 và 200 người, thay vì số lượng tương ứng 630 và 315 ghế như trước đây.

Tham gia chính trường từ năm 2006, bà Meloni là người đồng sáng lập FdI vào năm 2012, một chính đảng theo đuổi chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và ủng hộ chính sách chống nhập cư. Bà Meloni từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở tuổi 21 và trở thành bộ trưởng trẻ nhất ở tuổi 31 trong nội các của cựu Thủ tướng Berlusconi. Bà Meloni năm nay 45 tuổi, là người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, ủng hộ Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ năm 2020 đến nay, bà Meloni là Chủ tịch của đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu, tại Nghị viện châu Âu.

Với những cử tri Italia ủng hộ FdI, việc bà Meloni trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italia mở ra kỳ vọng thiết lập một nền chính trị ổn định của đất nước này sau nhiều sóng gió. Các cử tri Italia cũng tin tưởng sự dẫn dắt của bà Meloni có thể giúp nước này đương đầu với những thách thức hiện nay như tình trạng giá năng lượng tăng kéo theo đà tăng của chỉ số lạm phát, khiến nền kinh tế lớn thứ ba tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Chiến thắng của FdI cũng đã nhận được sự chúc mừng đầu tiên từ các đảng đối lập cực hữu ở Tây Ban Nha, Pháp và chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Ba Lan, Hungary. Tuy nhiên, về sâu xa cũng có không ít phản ứng trái chiều.

Mặc dù bà Meloni cũng sẽ không theo đuổi các chính sách cực đoan như đưa Italia ra khỏi EU hay ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone, nhưng có ít nhất 2 lĩnh vực mà châu Âu đang chờ đợi và hết sức lo âu, đó là chính sách với người tị nạn và chính sách kinh tế.

Về vấn đề tị nạn, một khi FdI nắm quyền thì gần như chắc chắn Italia sẽ thực thi các chính sách vô cùng khắc nghiệt để chấm dứt làn sóng tị nạn đổ về nước này. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều bi kịch nhân đạo mà EU không thể làm ngơ bởi do vị trí địa lý của mình, Italia chính là một trong những điểm nóng nhất về nhập cư và tị nạn của châu Âu. Vì thế, các chính sách mới về nhập cư của Italia có thể sẽ đi ngược lại chính sách chung của EU và làm phá sản các kế hoạch của EU.

Về chính sách kinh tế, bà Giorgia Meloni từng nhiều lần tuyên bố muốn xóa bỏ hoàn toàn các quy định vàng của EU về kỷ luật ngân sách như việc không thâm hụt ngân sách hàng năm quá 3% GDP hay nợ công không quá 60%.

Cuối cùng, châu Âu còn đang rất bất an về các quan điểm của liên minh trung hữu Italia với xung đột Nga - Ukraine.

Giới phân tích nhận định, mặc dù có nhiều thuận lợi khi được đông đảo cử tri ủng hộ nhưng bà Meloni vẫn gặp phải không ít khó khăn khi đối mặt với những bất đồng chính sách của EU. Có thể vượt qua những thử thách hay không còn phải trông chờ vào bản lĩnh của bà Meloni trong tương lai.

Hiện tỷ lệ nợ công tại Italia đã lên mức trên 150% GDP, cùng nguy cơ khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế cận kề. Chính phủ mới tại Italia cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục được Liên minh châu Âu để có thể giải ngân được gói trợ giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch lên tới hàng trăm tỉ Euro mà châu Âu dành cho Italia.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>