Nước Mỹ chật vật với làn sóng Covid-19 thứ 2

05/07/2020 | 18:54 GMT+7

Nước Mỹ được cho là đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ 2 khi ghi nhận kỷ lục mới - số cas nhiễm mới đạt mức 52.000 chỉ trong 24 giờ vào cuối tuần qua.

Mỹ là nước có số cas nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Đây là con số cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 1-2020. Các bang Arizona, Florida, South Carolina, CaliforniaTexas đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng.

Lý do làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Mỹ là do: Giai đoạn phong tỏa vốn là thời gian để các chính phủ thiết lập nhiều quy trình chống dịch chi tiết hơn để ngăn chặn vi-rút hiệu quả. Khi mức độ lây nhiễm giảm đến mức có thể kiểm soát được và hệ thống xét nghiệm - theo dõi - cách ly được thực hiện tốt, các nước có thể khôi phục đời sống bình thường và một số nước đã làm được điều này.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump thậm chí còn không thử làm điều này ở cấp quốc gia. Mỹ không thể thực hiện chiến lược đơn giản nhất là bắt buộc đeo khẩu trang rộng rãi bên trong bất kỳ không gian kín nào.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng của Mỹ dành hàng tuần cho những thí nghiệm khoa học kỳ lạ để phản đối việc đeo khẩu trang trong khi một nghiên cứu nhiều năm trước đã cho thấy ngay cả những loại khẩu trang rẻ tiền tự làm cũng có thể giảm các bệnh lây nhiễm từ giọt bắn.

Một cách khác dễ dàng hơn cho giới lãnh đạo là đợi dịch bệnh bùng phát và danh chính ngôn thuận áp dụng lệnh phong tỏa mà không sợ bị phản đối. Nhưng sự chậm trễ này đã giết chết hàng chục ngàn người.

Điều đáng mừng là mặc dù số vụ nhiễm dịch Covid-19 hàng ngày ở một số bang - có thể do sự kết hợp của việc mở cửa trở lại và nhiều tuần biểu tình đông đúc ở hàng trăm thành phố trên khắp đất nước - số người chết ở Mỹ đã giảm xuống dưới mức đỉnh điểm vào giữa tháng 4-2020. Trong khi đó, cũng có một xu hướng giảm trên toàn quốc, theo dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Các chuyên gia y tế như tiến sĩ Anthony Fauci - thành viên cấp cao của lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Nhà Trắng - đã cảnh báo rằng xét nghiệm gia tăng không thể giải thích hoàn toàn cho làn sóng mới nhiễm dịch, mà chỉ ra tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng ở một số khu vực.

Còn Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter vào tối ngày 2-7: “Có sự gia tăng trong các trường hợp nhiễm Covid-19 vì xét nghiệm của chúng tôi rất lớn và rất tốt, lớn hơn nhiều và tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đây là một tin tuyệt vời nhưng tin tốt hơn nữa là số cas chết và tỷ lệ tử vong đã xuống rất thấp. Nhất là việc chữa trị cho những người trẻ tuổi trở nên dễ dàng và nhanh hơn nhiều!”.

Do lo ngại dịch bệnh lễ Quốc khánh của Mỹ (4-7) năm nay cũng không được tổ chức hoành tráng, thay vào đó không khí trầm lắng bao trùm. Không còn những lễ diễu hành như mọi năm. Hàng loạt các dịch vụ, sự kiện sẽ chuyển sang phát trực tuyến để mọi người ở nhà nhưng vẫn vui. Người dân tại một số thành phố như Boston, Houston được khuyến khích ở nhà xem pháo hoa online. Tại Los Angeles, các buổi biểu diễn nghệ thuật sẽ được phát trực tuyến trên Facebook. Ngày lễ này năm nay, nước Mỹ vẫn có những buổi biểu tình tại Orlando, Newark, Washington D.C. Đó là hoạt động tiếp nối của đợt biểu tình đòi công lý sau cái chết của công dân da màu Geogre Floyd, hay biểu tình đòi phá bỏ tượng các nhân vật cổ súy nạn phân biệt chủng tộc.

Châu Âu, nơi hầu hết các nước gần như kiểm soát được đại dịch, đang nhìn nước Mỹ với sự e dè. Và muốn thực hiện “giãn cách” với Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đã loại Mỹ ra khỏi danh sách được nhập cảnh sau khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại vào ngày 1-7.

Canada có thể sẽ đóng hầu hết biên giới với Mỹ khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào ngày 21-7. Nếu Mỹ không thể xoay chuyển được tình thế, đất nước này sẽ đánh mất vị trí trung tâm của trật tự quốc tế và sự tin tưởng.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>